hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 09/09/2020
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cấm con kết hôn, cha mẹ có vi phạm pháp luật không?

Sau khi trải qua quãng thời gian nhất định tìm hiểu nhau, hai người thường sẽ tính chuyện tiến đến hôn nhân. Tuy nhiên, trường hợp nào không được phép kết hôn? Cha mẹ cấm con kết hôn có vi phạm luật và bị phạt không?

1. 07 trường hợp không được phép kết hôn

Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định 07 trường hợp sau đây không được phép kết hôn, bao gồm:

- Kết hôn giả tạo. Đây là việc lợi dụng việc kết hôn để thực hiện một mục đích nào khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình, tạo mối quan hệ hôn nhân giữa nam nữ như để xuất cảnh, nhập cảnh, hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước…

- Tảo hôn: Là việc hai bên kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định.

- Cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn: Là việc dùng hành vi đe dọa, lừa dối nhằm mục đích ép buộc người khác phải kết hôn với mình.

- Vi phạm chế độ một vợ, một chồng: Là việc đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ, chồng hoặc kết hôn với người khác.

- Chung sống hoặc kết hôn với những người không được phép:

+ Những người cùng dòng máu trực hệ, có phạm vi ba đời;

+ Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi hoặc đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi;

+ Giữa cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể;

+ Giữa cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

- Có hành vi yêu sách, đòi hỏi về vật chất (còn được hiểu là “thách cưới”)  một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn;

- Lợi dụng kết hôn để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi.

Để được công nhận là hôn nhân hợp pháp, thì hai người nam nữ phải không thuộc trường hợp bị cấm kết hôn đã nêu ở trên.

Cụ thể, Hôn nhân hợp pháp là hôn nhân đáp ứng đầy đủ các yếu tố sau:

- Ý chí: việc kết hôn hoàn toàn dựa vào việc nam nữ tự nguyện quyết định.

- Không thuộc các trường hợp bị cấm kết hôn được pháp luật quy định.

- Đối tượng kết hôn phải đủ điều kiện về độ tuổi: nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

- Phải đăng ký kết hôn với cơ quan có thẩm quyền. Nếu không đăng ký thì việc kết hôn sẽ không có giá trị pháp lý;

- Nếu vợ chồng đã ly hôn thì bắt buộc phải đăng ký kết hôn lại mới được coi là hôn nhân hợp pháp.

Cam con ket hon cha me co the bi phat den 03 nam tu

Cấm con kết hôn, cha mẹ có thể bị phạt đến 03 năm tù (Ảnh minh họa)

2. Cấm con kết hôn, cha mẹ có thể bị phạt đến 03 năm tù

Nếu cha mẹ dùng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác để cố tình ngăn cản không cho con cái kết hôn thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Khi đó, cha mẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất của hành vi ngăn cấm.

Bị xử phạt hành chính

Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, người nào ngăn cấm người khác kết hôn tự nguyện, tiến bộ bằng các hành vi nêu trên thì bị phạt tiền từ 03-05 triệu đồng.

Phải chịu trách nhiệm hình sự

Không chỉ vậy, nếu hành vi nêu trên đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm theo quy định tại Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Như vậy, có thể thấy, việc cha mẹ cấm con kết hôn sẽ bị phạt tiền, thậm chí có thể bị phạt tù đến 03 năm.

hieuluat.vn

Có thể bạn quan tâm

X