Vào mỗi dịp lễ, Tết, việc tặng quà, biếu quà cho cán bộ, công chức lại trở thành vấn đề “nóng”. Tết Nguyên đán 2021 đang cận kề, theo đó, cán bộ, công chức có được nhận quà không?
Trả lời:
Cán bộ, công chức có được nhận quà tặng không?
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình (Điều 25 Nghị định 59/2019/NĐ-CP).
Theo đó, cán bộ, công chức không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân:
- Có liên quan đến công việc do mình giải quyết;
- Thuộc phạm vi quản lý của mình.
Bên cạnh đó, tại Chỉ thị 48-CT/TW về việc tổ chức Tết năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh:
Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không sử dụng ngân sách Nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi...
Như vậy, nghiêm cấm cán bộ, công chức biếu, tặng quà, nhận quà dưới mọi hình thức.
Cán bộ công chức có được nhận quà Tết Nguyên đán 2021? (Ảnh minh họa)
Cán bộ, công chức nhận quà Tết bị xử lý thế nào?
Theo khoản 2 Điều 28 Nghị định 59/2019/NĐ-CP, cán bộ, công chức vi phạm quy định về nhận quà tặng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nhà nước.
Đối chiếu với quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP, cán bộ, công chức vi phạm quy định về nhận quà tặng có thể bị:
- Khiển trách nếu là lần đầu vi phạm, gây hậu quả ít nghiêm trọng.
- Cảnh cáo nếu lần đầu vi phạm nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.
- Hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo nếu lần đầu vi phạm nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo nhưng tái phạm.
- Giáng chức (đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) nếu lần đầu vi phạm nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo nhưng tái phạm.
- Cách chức (đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) nếu:
+ Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức mà tái phạm hoặc cán bộ đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo mà tái phạm.
+ Vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và chưa đến mức buộc thôi việc, người vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
- Buộc thôi việc đối với công chức:
+ Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà tái phạm.
+ Có hành vi vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trong đó, mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau:
- Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
- Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
- Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
- Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Lưu ý: Đối với những vi phạm đến mức chịu trách nhiệm hình sự sẽ bị xem xét xử lý theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.
Nhận được quà biếu Tết, cán bộ, công chức phải làm gì?
Từ chối
Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối (khoản 2 Điều 25 Nghị định 59/2019/NĐ-CP).
Theo đó, cán bộ, công chức khi nhận được quà tặng của những đối tượng có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình thì phải từ chối.
Báo cáo, nộp lại quà tặng
Trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Báo cáo được thể hiện bằng văn bản và có đầy đủ các nội dung: Họ, tên, chức vụ, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà; loại và giá trị của quà tặng; thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khi nhận quà tặng; mối quan hệ với người tặng quà.
Như vậy, cán bộ, công chức khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.