Hiện nay trên cả nước, nhiều tỉnh thành đã tiến hành cấp căn cước công dân gắn chip cho người dân. Vậy người dân cần nắm rõ những quy định nào liên quan đến thẻ căn cước công dân gắn chip sẽ được cấp này?
1. Thẻ căn cước công dân gắn chip là gì?
Trả lời:
Thẻ căn cước gắn chip hay còn được gọi là thẻ căn cước điện tử (e-ID), là thiết bị nhận dạng thông minh cho phép tích hợp lượng lớn dữ liệu về bảo hiểm, bằng lái xe... Nó đóng vai trò làm thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Về cơ bản, e-ID là thiết bị xác thực điện tử tích hợp chip bên trong. Con chip có kích thước tương tự như trên thẻ ATM. Để truy cập vào thông tin nằm trong chip, các thẻ sẽ có điểm kết nối kim loại trên bề mặt hoặc cho phép đọc dữ liệu không cần tiếp xúc nhờ ứng dụng công nghệ nhận diện qua sóng vô tuyến (RFID).
Thẻ căn cước điện tử có thể nằm trong cơ sở hạ tầng khóa công khai (PKI), lưu trữ chứng nhận điện tử được mã hóa do nhà cung cấp PKI phát hành, đi kèm nó là những thông tin cá nhân đã được tổng hợp lại của công dân.
Căn cước công dân gắn chip (Ảnh minh họa)
2. Những ai bắt buộc phải đổi sang căn cước công dân gắn chip?
Trả lời:
Theo thông tin trên trang LuatVietnam.vn đưa tin về việc bao giờ phải đổi sang căn cước công dân gắn chip đã nêu cụ thể các đối tượng được cấp căn cước công dân gắn chip như sau:
- Những người đủ 14 tuổi (cấp Căn cước công dân lần đầu);
- Những người có Chứng minh nhân dân 9 số (bởi việc quản lý về công dân hiện nay sẽ căn cứ theo mã số định danh (12 số).
- Những người có Chứng minh nhân dân 12 số, Căn cước công dân mã vạch hết hạn sử dụng, bị hỏng, rách không còn giá trị sử dụng.
- Những người có nhu cầu cấp Căn cước công gắn chip.
Như vậy, có thể thấy, không phải ai cũng bắt buộc phải đi đổi sang Căn cước công dân gắn chip từ tháng 01/2021. Chỉ người có Chứng minh nhân dân 9 số; người có Chứng minh nhân dân 12 số, Căn cước công dân mã vạch hết hạn, hỏng mới cần bắt buộc phải đi đổi.
Những người có Chứng minh nhân dân 12 số, Căn cước công dân mã vạch còn hạn sử dụng, không bị hỏng, rách vẫn được tiếp tục sử dụng đến khi hết hạn.
Riêng với những người không thuộc nhóm đối tượng bắt buộc phải đổi nhưng có nhu cầu đổi sang Căn cước công dân gắn chip cũng có thể làm thủ tục đăng ký đổi.
Căn cước công dân gắn chip vẫn giữ nguyên số như Căn cước công dân mã vạch. Do đó, khi đổi sang mẫu có gắn chip, các giao dịch của công dân vẫn được thực hiện bình thường mà không có bất cứ phiền hà nào.
Những ai bắt buộc đổi sang căn cước công dân gắn chip? (Ảnh minh họa)
3. Lệ phí cấp căn cước công dân gắn chip là bao nhiêu?
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Thông tư số 112/2020/TT-BTC trong đó có nội dung về lệ phí cấp căn cước công dân thì:
Mức lệ phí cấp căn cước công dân gắn chip từ 01/01 – 30/6/2021 cụ thể như sau:
- Lệ phí chuyển từ Chứng minh nhân dân 09 số, 12 số sang cấp thẻ căn cước công dân, mức thu là 15.000 đồng;
- Đổi thẻ căn cước công dân trong các trường hợp:
+ Bị hư hỏng không dùng được;
+ Thay đổi họ, tên, chữ đệm; Đặc điểm nhận dạng;
+ Xác định lại giới tính, quê quán;
+ Có sai sót về thông tin trên thẻ;
+ Khi công dân yêu cầu.
Lệ phí nộp là 25.000 đồng.
- Cấp lại thẻ căn cước công dân khi bị mất; khi trở lại quốc tịch Việt Nam, lệ phí phải nộp là 35.000 đồng.
Từ 01/7/2021 trở đi, mức thu lệ phí này sẽ là tăng gấp đôi mức thu tương ứng áp dụng từ 01/01 – 30/6/2021 căn cứ quy định được nêu tại Điều 4 Thông tư 59/2019.
Như vậy, lệ phí cấp Căn cước công dân gắn chip từ ngày 01/01 - 30/6/2021 là 15.000 đồng/thẻ căn cước công dân, từ ngày 01/7/2021 trở đi mức lệ phí này là 30.000 đồng/thẻ căn cước công dân.
4. Đổi sang căn cước công dân có gắn chip, người dân được lợi gì?
Trả lời:
Đây là băn khoăn của đông đảo bộ phận người dân khi có thông tin về việc sẽ có căn cước công dân gắn chip.
Theo đó, thẻ căn cước công dân gắn chip có nhiều ưu điểm so với các loại giấy tờ tùy thân hiện nay như: Tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn, liên thông với các thông tin khác về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế…
Do đó công dân chỉ cần mang theo căn cước công dân gắn chip mà không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ khác khi làm các thủ tục hành chính như trước đây… Đồng thời, cũng không còn tốn kém thời gian, chi phí công chứng, chứng thực giấy tờ như trước đây liên quan đến giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính liên quan.
5. Đổi sang căn cước công dân gắn chip có phải làm lại giấy tờ không?
Trả lời:
Theo đại diện Bộ Công an, việc đổi sang căn cước công dân gắn chip không gây ảnh hưởng gì tới các loại giấy tờ đang dùng số căn cước công dân mã vạch trước đó. Vì thực tế, số trên căn cước công dân gắn chip trùng khớp với số trên căn cước công dân mã vạch. Do đó, công dân không cần thiết phải đi đổi lại các giấy tờ.
Tương tự, sau khi được cấp căn cước công dân gắn chip, công dân vẫn có thể thực hiện các giao dịch đã sử dụng số căn cước công dân trước đây bình thường mà không hề có bất cứ khó khăn nào.
Đổi sang CCCD gắn chip có phải làm lại giấy tờ không (Ảnh minh họa)
6. Đổi căn cước công dân gắn chip tại nơi tạm trú được không?
Trả lời:
Để bảo đảm việc triển khai thực hiện cấp căn cước công dân gắn chip, ngày 14/12/2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 5764/UBND-NC nêu rõ:
Hiện nay, toàn thành phố có khoảng 2,5 triệu công dân trong diện cấp nhưng chưa được cấp thẻ căn cước công dân đang cư trú trên địa bàn.
Để bảo đảm tất cả công dân cư trú trên địa bàn thành phố trong diện cấp thẻ được cấp thẻ căn cước công dân, Ủy ban nhân thành phố yêu cầu Công an thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Dự án sản xuất, cấp và quản lý thẻ căn cước công dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an, bảo đảm đến ngày 01/7/2021, tất cả công dân đủ điều kiện cấp căn cước công dân chưa có mã định danh cá nhân đang cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội được cấp căn cước công dân.
Như vậy, theo Công văn này, không chỉ người có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội mà cả những người tạm trú trên địa bàn cũng được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip.
Cũng theo thông tin từ phía Công an thành phố Hà Nội, công dân có thể đến trụ sở cơ quan Công an nơi đang cư trú (tạm trú hoặc thường trú) để thực hiện cấp căn cước công dân mà không nhất thiết phải về nơi đăng ký thường trú.
Tuy nhiên, người dân phải đăng ký với Công an xã, phường, thị trấn về nơi làm thủ tục căn cước công dân (tại nơi công tác hoặc tại nơi cư trú) để cơ quan Công an bố trí lực lượng và sắp xếp thời gian.
Đặc biệt: Công dân đang tạm trú trên địa bàn Hà Nội muốn cấp căn cước công dân gắn chip tại Hà Nội bắt buộc phải kê khai Phiếu thu thập thông tin dân cư (DC01) tại nơi đang tạm trú trước khi làm thủ tục cấp căn cước công dân.
7. Mất căn cước công dân gắn chip có sao không?
Trả lời:
Có thể thấy căn cước công dân gắn chip tích hợp rất nhiều thông tin cá nhân của công dân. Do đó, nhiều người dân lo lắng về rủi ro nếu thẻ căn cước công dân của mình rơi vào tay “kẻ xấu”. Vậy điều này có thực sự sẽ rủi ro như sự lo lắng của nhiều người hay không?
Theo thông tin phân tích từ Bộ Công an, mức độ bảo mật của chip rất cao nên thông tin định danh của công dân trên thẻ là không thể thay đổi, không thể giả mạo được. Chỉ có chủ sở hữu thẻ mới sử dụng được, nếu thẻ căn cước công dân gắn chip bị mất cũng không gây ra ảnh hưởng gì đáng lo ngại.
Trên đây là những thông tin liên quan đến thẻ căn cước công dân gắn chip mà người dân quan tâm. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan, độc giả vui lòng đặt câu hỏi tại đây.
Xem thêm: