Đăng nhập / Đăng ký
Văn bản pháp luật

Không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, coi chừng phạt nặng!

Thứ Tư, 22/08/2018 Theo dõi Hiểu Luật trên

Ngoài việc vi phạm hành chính, người không chấp hành hiệu lệnh cảnh sát giao thông còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định của Thông tư 01/2016/TT-BCA, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong nhiều trường hợp như: phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ; Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát; Có tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông…

Vì vậy, khi có hiệu lệnh dừng phương tiện để kiểm soát, dù có vi phạm hay không, người tham gia giao thông cũng cần chấp hành đầy đủ.

Không chấp hành hiệu lệnh bị xử phạt hành chính

Theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông sẽ phải chịu mức phạt từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Nếu điều khiển xe ô tô đi ngược chiều trên cao tốc, có nồng độ cồn cao, chạy quá tốc độ gây tai nạn giao thông… mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ thì mức phạt cao hơn rất nhiều, từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), mức phạt có nhẹ hơn, từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Tuy nhiên, nếu người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe; điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị… mà không tuân theo hiệu lệnh của người thi hành công vụ sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.

Cẩn thận khi không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Không chỉ là vấn đề chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, nhiều đối tượng khi nhìn thấy hiệu lệnh, lập tức tìm cách trốn tránh, cản trở cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ của mình.

Nếu có đầy đủ các yếu tố cấu thành, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Nếu có các tình tiết tăng nặng thì khung hình phạt cao nhất của tội này lên đến 07 năm tù.

Ngoài ra, việc không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông có thể bị coi là tình tiết tăng nặng trong nhiều tội phạm về an toàn giao thông.

Hành vi chạy trốn hiệu lệnh của cảnh sát giao thông khi đang lưu thông trên đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông cho bản thân và cho người khác. Đồng thời, là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần bị lên án.

Có thể bạn quan tâm

Chính sách mới

Tin xem nhiều