Khi một người mất đi, cần thiết phải tiến hành làm thủ tục đăng ký khai tử. Vậy người mất sau bao lâu phải đi khai tử? Thủ tục đăng ký khai tử được thực hiện thế nào?
1. Đăng ký khai tử (khai tử) là gì?
Đăng ký khai tử là thủ tục pháp lí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nhằm xác nhận việc một người mất đi và xác định sự chấm dứt các quan hệ pháp luật của người đó, đồng thời, là phương tiện để Nhà nước theo dõi biến động dân số của mình.
2. Thủ tục đăng ký khai tử
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến thủ tục đăng ký khai tử cho công dân Việt Nam. Còn các trường hợp khác, vui lòng xem thêm tại các bài viết khác.
Chậm làm thủ tục đăng ký khai tử có bị phạt không? (Ảnh minh họa)
Thủ tục đăng ký khai tử bao gồm:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ khai tử gồm:
- Tờ khai đăng ký khai tử (theo mẫu);
- Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền cấp. Giấy tờ thay thế giấy báo tử.
Người đi đăng ký khai tử cần xuất trình các giấy tờ sau:
- Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai tử;
- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú cuối cùng của người chết để xác định thẩm quyền;
- Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì xuất trình giấy tờ chứng minh nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể của người chết.
Xem thêm:
Giấy báo tử là gì? Xin Giấy báo tử ở đâu?
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ tại Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử; trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chế thì UBND cấp xã nơi người đó chết hoặc người phát hiện thi thể thực hiện đăng ký khai tử.
* Thời gian đăng ký khai tử
Theo khoản 1 Điều 33 Luật Hộ tịch 2014: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử.
Trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử.
Bước 3: Nhận kết quả
Ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu, trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc.
3. Chậm làm thủ tục đăng ký khai tử có bị phạt không?
Điều 31 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai tử sau sẽ bị phạt hành chính, mức phạt cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 5 triệu - 10 triệu đồng với các hành vi sau:
+ Đăng ký khai tử cho người đang sống;
+ Cố ý không đăng ký khai tử cho người chết để trục lợi.
- Phạt tiền từ 3 triệu - 5 triệu đối với hành vi làm giả giấy tờ để làm thủ tục đăng ký khai tử;
- Phạt tiền từ 1 triệu - 3 triệu đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả hoặc làm chứng sai sự thật cho người khác để làm thủ tục đăng ký khai tử;
- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng - 500.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai tử.
Như vậy, trường hợp đăng ký khai tử quá hạn sẽ không bị xử phạt hành chính.