hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 21/12/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Toàn bộ quy định về chế độ nghỉ sảy thai 2023

Chế độ nghỉ sảy thai 2023 là toàn bộ những lợi ích mà lao động nữ được hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Sự bù đắp một phần về sức khỏe, thu nhập lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc này được quy định ra sao, cùng chúng tôi giải đáp trong bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Sảy thai được nghỉ hưởng chế độ thai sản mấy ngày?
  • Chồng đóng BHXH có được nghỉ chăm sóc vợ sảy thai không?
  • Cách tính tiền chế độ nghỉ sảy thai 2023 thế nào?
  • Sảy thai vẫn đi làm được hưởng chế độ thai sản không?
  • Thủ tục hưởng chế độ nghỉ sảy thai 2023 thực hiện thế nào?

Sảy thai được nghỉ hưởng chế độ thai sản mấy ngày?

Câu hỏi: Tôi mang thai được 12 tuần chẳng may bị sảy thai, tôi đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được 02 năm. Xin hỏi, theo quy định hiện nay tôi được nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm bao lâu? (câu hỏi của K.N tại Lào Cai).
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản khi bị sảy thai có sự khác biệt tùy thuộc vào thời điểm lao động nữ bị sảy thai. Thời gian này được tính thấp nhất là 10 ngày và cao nhất là 50 ngày, cụ thể:

Theo Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội khi sảy thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

  • 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

  • 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

  • 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

  • 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên;

Lưu ý: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định trên bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

Như vậy, chế độ nghỉ sảy thai 2023 được áp dụng đối với lao động nữ phụ thuộc vào thời điểm sảy thai của họ, tối đa thời gian nghỉ là 50 ngày.

Với trường hợp của bạn đọc, bạn bị sảy thai khi thai 12 tuần tuổi, do vậy cần căn cứ theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền, số ngày nghỉ tối đa của bạn là 20 ngày.

ngày nghỉ chế độ nghỉ sảy thai 2023 được chỉ định bởi bác sĩ


Chồng đóng BHXH có được nghỉ chăm sóc vợ sảy thai không?

Câu hỏi: Xin chào, cho em hỏi vợ bị sảy thai, chồng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có được nghỉ chăm sóc vợ hưởng chế độ thai sản không? (câu hỏi của bạn đọc Vũ G.H tại Huế)

Chế độ nghỉ sảy thai 2023 là chế độ được áp dụng đối với lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và thỏa mãn điều kiện luật định.

Vậy, nếu như lao động nữ không đảm bảo đủ điều kiện được hưởng chế độ này mà chồng của họ thỏa mãn điều kiện thì vẫn không được hưởng chế độ thai sản dành cho lao động nam.

Lý do cụ thể mà lao động nam không được hưởng chế độ này, bạn đọc cùng chúng tôi tìm hiểu theo những phân tích dưới đây.

Căn cứ khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

Có thể thấy, pháp luật chỉ cho phép lao động nam được hưởng chế độ của bảo hiểm xã hội khi có vợ sinh con.

Nói cách khác, hiện nay pháp luật không quy định lao động nam đang đóng bảo hiểm có vợ sảy thai được nghỉ chăm sóc vợ hưởng chế độ thai sản.

Như vậy, chế độ nghỉ sảy thai 2023 không được áp dụng đối với lao động nam. Hay, lao động nam tham gia bảo hiểm xã hội không được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi vợ sảy thai.

Tuy nhiên, người lao động có thể xin nghỉ phép năm hưởng nguyên lương theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019.


Cách tính tiền chế độ nghỉ sảy thai 2023 thế nào?

Câu hỏi: Em làm công nhân ở nhà máy, em mang thai được 10 tuần chẳng may bị sảy thai. Em đã đóng bảo hiểm xã hội ở nơi làm được 02 năm.

Cho em hỏi, em có được hưởng chế độ khi sảy thai không, cách tính tiền được hưởng thế nào? (câu hỏi của bạn M.H tại Hải Dương).

Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, cách tính tiền hưởng chế độ thai sản khi sảy thai của lao động nữ phụ thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và thời gian nghỉ việc hưởng chế độ của họ. Chi tiết như sau:

Tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định khi sẩy thai, lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa căn cứ vào số tuần tuổi của thai.

Theo đó, mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ khi sảy thai có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:

1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;

c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.

...

Từ quy định trên, mức trợ cấp thai sản khi sảy thai được tính theo công thức:

Mức trợ cấp = (Mức trợ cấp theo tháng/30 ngày) x Số ngày nghỉ việc

Trong trường hợp của bạn, do thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của bạn tính đến thời điểm bị sảy thai là 2 năm, do đó, mức hưởng trợ cấp khi bạn hưởng chế độ nghỉ sảy thai 2023 được tính như sau:

Mức trợ cấp = (Bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước thời điểm nghỉ sảy thai : 30 ngày) x Số ngày nghỉ việc

Như vậy, mức tiền được nhận của chế độ nghỉ sảy thai 2023 được tính dựa trên thời gian nghỉ và mức tiền trợ cấp theo tháng như chúng tôi đã nêu trên.

Bạn căn cứ số ngày nghỉ khi sảy thai do cơ sở khám, chữa bệnh chỉ định để tính cụ thể mức trợ cấp chế độ thai sản khi sảy thai của mình.

Thời gian nghỉ chế độ thai sản khi sảy thai tính thế nào?


Sảy thai vẫn đi làm được hưởng chế độ thai sản không?

Câu hỏi: Tôi đang làm việc tại một công ty và có đóng bảo hiểm xã hội. Trong thời gian này tôi mang thai nhưng sau đó không may ngã đã bị sảy thai.

Sau khi sảy thai cảm thấy sức khỏe khá ổn định nên tôi vẫn đi làm mà không nghỉ việc theo giấy của bác sĩ.

Cho tôi hỏi, tôi có được hưởng chế độ bảo hiểm khi sảy thai vẫn đi làm không? (Câu hỏi của bạn đọc T.T gửi cho chúng tôi qua email hoangtu…@gmail.com).

Một trong những điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sảy thai là lao động nữ sảy thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền. Vì vậy, trong trường hợp lao động nữ không nghỉ việc theo chỉ định thì không có cơ sở để cơ quan bảo hiểm xã hội được chi trả tiền theo chế độ.

Cụ thể như sau:

Từ những phân tích và căn cứ nêu trên, khi sảy thai, lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền và được chi trả tiền trợ cấp/tiền hưởng chế độ nghỉ sảy thai theo thời gian nghỉ tương ứng.

Hiện nay, mức hưởng chế độ nghỉ sảy thai 2023 một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ hưởng chế độ hoặc bằng bình quân tiền lương các tháng tham gia bảo hiểm xã hội.

Mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.

Thêm vào đó, Điều 141 Bộ luật Lao động quy định như sau:

Thời gian nghỉ việc khi chăm sóc con dưới 07 tuổi ốm đau, khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, thực hiện các biện pháp tránh thai, triệt sản, người lao động được hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Từ đó suy ra, có thể hiểu trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định nêu trên, người lao động được hưởng trợ cấp do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả mà không được hưởng lương do doanh nghiệp trả.

Ngược lại, nếu người lao động làm việc bình thường sau khi sảy thai, hưởng lương do doanh nghiệp chi trả (không nghỉ việc hưởng chế độ) thì không thỏa mãn điều kiện được nhận tiền trợ cấp như luật định.

Kết luận: Hiện nay, lao động nữ không nghỉ hưởng chế độ nghỉ sảy thai 2023/chế độ thai sản khi sảy thai mà vẫn làm đi làm hưởng lương do doanh nghiệp trả thì không được hưởng chế độ do bảo hiểm xã hội chi trả.

Tính tiền hưởng chế độ thai sản khi sảy thai 2023 thế nào?


Thủ tục hưởng chế độ nghỉ sảy thai 2023 thực hiện thế nào?

Câu hỏi: Xin chào Hieuluat, tôi chẳng may bị sảy thai nên được nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ. Xin hỏi, dắp tới đi làm trở lại tôi cần chuẩn bị giấy tờ gì để hưởng chế độ thai sản khi sảy thai? - (độc giả từ M.G từ thành phố Hồ Chí Minh có gửi câu hỏi qua email tới cho chúng tôi).
Thủ tục thực hiện chế độ nghỉ sảy thai 2023 bao gồm chuẩn bị hồ sơ, nộp hồ sơ, xử lý hồ sơ và nhận kết quả. Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, các bước cần thực hiện để người lao động được hưởng chế độ thai sản khi bị sảy thai được tiến hành như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi sảy thai cần chuẩn bị dựa trên quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 gồm có:

2. Trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, người lao động thực hiện biện pháp tránh thai theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp điều trị ngoại trú, bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú.

Theo đó, tại điểm 2.2 khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH nêu rõ, với chế độ thai sản của người đang đóng bảo hiểm xã hội, hồ sơ gồm Danh sách 01B-HSB do đơn vị sử dụng lao động lập và hồ sơ nêu dưới đây:

  • Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện của người lao động, trường hợp chuyển tuyến khám, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc bản sao giấy chuyển viện.

  • Trường hợp điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Theo đó, tùy trường hợp người lao động điều trị nội trú hay ngoại trú mà hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi sảy thai sẽ có những giấy tờ như chúng tôi nêu trên.

Lao động nữ có trách nhiệm nộp hồ sơ này cho người lao động trong thời gian 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc (Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014);

Bước 2: Nộp hồ sơ

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập danh sách người lao động hưởng chế độ bảo hiểm theo mẫu 01B-HSB nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bước 3: Giải quyết chế độ nghỉ sảy thai

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.

Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải bản và nêu rõ lý do.quyết thì phải trả lời bằng văn bản.

Kết luận: Trình tự giải quyết chế độ nghỉ sảy thai 2023 cho lao động nữ được thực hiện theo các bước mà chúng tôi đã nêu trên.

Trên đây là toàn bộ chế độ nghỉ sảy thai 2023, nếu còn băn khoăn, độc giả vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X