Bạn sinh đôi nhưng chưa nắm rõ cách tính tiền thai sản sinh đôi như thế nào? Cùng xem xét và tìm đáp án qua nội dung dưới đây
Sinh đôi được nghỉ thai sản mấy tháng?
Theo nội dung khoản 1 Điều 34, Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sau khi sinh đôi được nghỉ:
- Thời gian nghỉ thai sản: 07 tháng (trong đó, thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng).
- Nghỉ dưỡng sức: 10 ngày (trường hợp áp dụng: trong vòng 30 ngày kể từ ngày quay trở lại làm việc mà sức khỏe chưa hồi phục).
Ngoài ra, các quy định về nghỉ thai sản cũng áp dụng cho lao động nam, cụ thể trong trường hợp sinh đôi:
- Chồng đang tham gia bảo hiểm bắt buộc có vợ sinh đôi: được nghỉ 10 ngày làm việc;
- Chồng đang tham gia bảo hiểm bắt buộc có vợ sinh đôi phẫu thuật: được nghỉ 14 ngày làm việc.
*Lưu ý: Thời gian nghỉ của người chồng được tính trong 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con và không được hưởng lương trong thời gian nghỉ thai sản (trừ trường hợp dùng ngày nghỉ phép năm còn lại để nghỉ thai sản).
Trong trường hợp của bạn, nếu vợ phải phẫu thuật khi sinh đôi thì bạn sẽ được nghỉ 14 ngày làm việc; còn vợ bạn được nghỉ 07 tháng thai sản + 10 ngày dưỡng sức nếu sức khỏe chưa hồi phục sau đi làm lại.
Cách tính tiền thai sản sinh đôi hiện nay?
Cách tính tiền thai sản sinh đôi năm 2023 như thế nào là chuẩn? (Ảnh minh họa)
Về cơ bản, cách tính tiền thai sản sinh đôi bám sát cách tính tiền thai sản theo quy định hiện hành, tuy nhiên người lao động sinh đôi sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn so với thông thường, cụ thể:
Tiền trợ cấp thai sản một lần
Mức trợ cấp một lần cho mỗi con khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi (Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội).
Đây là mức trợ cấp thai sản một lần cho mỗi con, nên lao động nữ sinh đôi sẽ được hưởng gấp đôi tiền trợ cấp thai sản này.
Mức lương cơ sở năm 2023 như sau:
- Trước 01/7/2023: vẫn ở mức là 1,49 triệu đồng/tháng nên, mức hưởng trợ cấp một lần khi sinh đôi trước thời điểm này là: 2 x 2 x 1,49 = 5,96 triệu đồng.
- Từ 01/7/2023: 1,8 triệu đồng/tháng, mức hưởng trợ cấp một lần khi sinh đôi từ thời điểm là: 2 x 2 x 1,8 = 7,2 triệu đồng.
Tiền thai sản cho mẹ sinh đôi
Theo nội dung Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội, người mẹ sinh con có bảo hiểm xã hội bắt buộc có thể nhận tiền thai sản theo mức hưởng bằng bình quân 06 tháng tiền lương liền kề nhau dùng để đóng bảo hiểm nhân với số tháng nghỉ.
Cũng tại Điều 34 Luật này, lao động nữ thông thường sẽ được nghỉ 06 tháng thai sản. Tuy nhiên, với người mẹ sinh đôi thì được cộng thêm 01 tháng.
Như vậy, trong trường hợp sinh đôi, lao động nữ sẽ được nhận tiền thai sản nhiều hơn bình thường, cụ thể:
Mức hưởng | = | 100% Bình quân tiền lương của 06 tháng đóng bảo hiểm liền kề trước khi nghỉ | x | 07 tháng |
Vì chúng tôi không biết chính xác mức tiền đóng bảo hiểm của vợ bạn là bao nhiêu, do vậy bạn có thể tham khảo ví dụ dưới đây để nắm được cách tính cho mình.
Ví dụ:
Chị X làm ở công ty ABC sinh 01 em bé, nghỉ thai sản 06 tháng. Biết mức lương bình quân đóng bảo hiểm của chị X là 5,2 triệu đồng/tháng nên chị được nhận khoản tiền thai sản = 5,2 triệu đồng x 06 tháng = 31,2 triệu đồng;
Chị Y có cùng mức lương bình quân đóng bảo hiểm với chị X, nhưng vì chị Y sinh đôi nên tổng tiền thai sản chị Y được nhận là = 5,2 triệu đồng x 07 tháng = 36,4 triệu đồng.
Tiền dưỡng sức cho lao động sinh đôi
Trong vòng 30 ngày kể từ ngày người lao động sinh đôi quay trở lại làm việc, nếu thấy sức khỏe sau sinh chưa ổn định, chưa phục hồi thì có thể nghỉ dưỡng sức lên tới 10 ngày.
Lúc này, người lao động còn được nhận tiền dưỡng sức theo ngày với mức bằng 30% lương cơ sở.
Đặc biệt, nếu người lao động sinh con và nghỉ dưỡng sức bắt đầu từ ngày 01/7/2023 trở đi thì sẽ tính tiền dưỡng sức trên mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng (không còn là 1,49 triệu đồng/tháng như trước).
Do vậy, tổng tiền dưỡng sức của người lao động sinh đôi có thể lên đến mức là: 30% x 1,8 triệu đồng x 10 ngày = 5,4 triệu đồng.
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản khi sinh đôi gồm giấy tờ gì?
Theo nội dung Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, người lao động chờ tối đa 02 ngày để doanh nghiệp nộp hồ sơ và để cơ quan bảo hiểm giải quyết yêu cầu hưởng chế độ thai sản khi sinh đôi.
Trước đó, người lao động cần chuẩn bị hồ sơ với các giấy tờ sau:
- Bản sao của: Giấy khai sinh/Trích lục khai sinh/Giấy chứng sinh (02 bản).
Nếu trong quá trình mang thai, người mẹ phải nghỉ việc để dưỡng thai thì cần có thêm một trong những loại tài liệu sau:
- Điều trị nội trú: bản sao hồ sơ bệnh án (bản tóm tắt) hoặc bản sao Giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai.
- Điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận người lao động nghỉ việc hưởng bảo hiểm;
- Trường hợp phải giám định: chuẩn bị Biên bản giám định y khoa.
>>> Xem tiếp: Hồ sơ hưởng chế độ thai sản 2023 cần những gì?
Trên đây là cách tính tiền thai sản sinh đôi cho người lao động theo quy định mới nhất. Nếu còn thắc mắc, xin mời liên hệ gửi câu hỏi qua 19006192 để được giải đáp chi tiết hơn.