Việc thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đã góp phần giảm tải được nhiều áp lực trong việc làm thủ tục cấp Sổ đỏ. Thế nhưng Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có được cấp Sổ đỏ hay không vẫn còn là nỗi băn khoăn của nhiều người. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề này.
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai là gì?
Tại điểm e khoản 2 Điều 3 tại Thông tư liên tịch 15/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC quy định Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là đơn vị hạch toán phụ thuộc; có con dấu riêng và được Nhà nước bố trí văn phòng, trang thiết bị làm việc theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai gồm:
- Giám đốc;
- Không quá 02 Phó Giám đốc;
- Các bộ phận chuyên môn.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định số lượng Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Chi nhánh trực thuộc Văn phòng đăng ký đất đai;
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của UBND cấp tỉnh.
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có được cấp Sổ đỏ? (Ảnh minh họa)
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có được cấp Sổ đỏ không?
Để làm rõ vấn đề này, trước tiên cần tìm hiểu xem cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?
Theo Điều 105 Luật Đất đai 2013 thì các cơ quan sau đây có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gồm:
- UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận cho: Tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
UBND cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan tài nguyên và môi trường cùng cấp cấp Giấy chứng nhận.
- UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận cho: Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Ngoài ra, nhằm tiết kiệm thời gian, công sức của người có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận và giảm tải áp lực với cơ quan Nhà nước, hiện nay pháp luật cho phép Văn phòng đăng ký đất đai được thực hiện cấp Sổ đỏ cho người dân.
Cụ thể, Khoản 1 và Khoản 4, Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 23, Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định:
- Với địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận trong các trường hợp sau:
(1) Khi người sử dụng đất thực hiện các quyền của mình mà phải cấp mới Giấy chứng nhận;
(2) Cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận.
- Với địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì việc cấp Giấy chứng nhận cho các trường hợp (1), (2) nêu trên như sau:
+ Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
+ UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
- Với địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì việc chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào Giấy chứng nhận đã cấp do Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện theo quyết định của UBND cấp tỉnh.
- UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định việc cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường được ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp (1), (2).
Như vậy, theo các căn cứ nêu trên thì thẩm quyền của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đó là “chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào Giấy chứng nhận đã cấp” theo quyết định của UBND cấp tỉnh.
Mặt khác, tại Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP thì Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai là cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai.
Do đó, Văn phòng đăng ký đất đai có thẩm quyền cấp Sổ đỏ trong một số trường hợp như đã phân tích ở trên còn Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thì không được cấp Sổ đỏ mà chỉ là nơi tiếp nhận, trả kết quả thủ tục cấp Sổ; đồng thời chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quyết định của UBND tỉnh.
Hà Nội có bao nhiêu Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai?
Theo Quyết định 2136/QĐ-STNMT-VP, Hà Nội hiện nay có khoảng gần 30 Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đặt tại các quận như:
- Chi nhánh VP ĐKĐĐ Hà Nội quận Hai Bà Trưng
- Chi nhánh VP ĐKĐĐ Hà Nội quận Bắc Từ Liêm
- Chi nhánh VP ĐKĐĐ Hà Nội quận Nam Từ Liêm
- Chi nhánh VP ĐKĐĐ Hà Nội quận Tây Hồ
- Chi nhánh VP ĐKĐĐ Hà Nội quận Thanh Xuân
- Chi nhánh VP ĐKĐĐ Hà Nội quận Cầu Giấy
- Chi nhánh VP ĐKĐĐ Hà Nội quận Hoàng Mai
- Chi nhánh VP ĐKĐĐ Hà Nội quận Long Biên
- Chi nhánh VP ĐKĐĐ Hà Nội quận Hà Đông,...
Trong đó, Chi nhánh VP ĐKĐĐ Hà Nội quận Tây Hồ có địa chỉ tại 657 Đ. Lạc Long Quân, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội.
Trên đây là giải đáp về Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.