hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 28/02/2020
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Có thể bạn chưa biết, Chứng minh nhân dân có từ khi nào?

Chứng minh nhân dân 9 số và 12 số cùng với thẻ Căn cước công dân đều là giấy tờ tùy thân quan trọng. Tuy là loại giấy tờ quen thuộc, thường được sử dụng nhưng có lẽ phần đông đều không biết Chứng minh nhân dân có từ khi nào?

Chứng minh nhân dân ra đời khi nào?

Chứng minh nhân dân có từ ngày 12/12/1957 khi Nghị định số 577/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp phát Giấy chứng minh có hiệu lực.

Theo đó, lúc bấy giờ, Giấy chứng minh được cấp cho tất cả mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên và có thời hạn 05 năm. Cán bộ, nhân viên, công nhân của Chính phủ cũng được cấp Giấy chứng minh. Quân nhân tại ngũ có Giấy chứng minh riêng của quân đội.

chứng minh nhân dân có từ khi nào

Có thể bạn chưa biết, Chứng minh nhân dân có từ khi nào? (Ảnh minh họa)

Thay đổi của Chứng minh nhân dân từ đó tới nay

Từ ngày 17/10/1964, Nghị định số 150/CP về việc cấp Giấy chứng minh có hiệu lực và thay thế Nghị định số 577/TTg.

Thời điểm này, Chứng minh nhân dân được cấp cho tất cả người dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 18 tuổi tròn trở lên, trừ người bị mất trí, người đang bị giam giữ, đang bị quản chế đều không được cấp.

Đến năm 1972, Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm quy định những người từ 15 đến 17 tuổi được cấp Giấy chứng nhận căn cước theo Quyết định 215/TTg có hiệu lực từ ngày 09/8/1972.

Từ ngày 24/8/1976, Nghị định 143/CP về việc cấp Giấy căn cước cho nhân dân trong cả nước có hiệu lực, thay thế Nghị định 577 và Quyết định 215. Theo đó, Chứng minh nhân dân được gọi là Giấy căn cước và được cấp cho người từ 15 tuổi trở lên đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Đặc biệt, từ ngày 01/5/1999 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định số 170/2007, Nghi định số 106/2013) có hiệu lực và vẫn được áp dụng tới nay, Chứng minh nhân dân được cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên.

Từ ngày 01/7/2012, Chứng minh nhân dân 9 số bằng giấy trước đây được thay thế bằng Chứng minh nhân dân 12 số, có chất liệu nhựa được phủ lớp màng nhựa mỏng trong suốt.

Đến ngày 01/01/2016, Luật Căn cước công dân năm 2014 có hiệu lực, thẻ Căn cước công dân được triển khai cấp thay thế cho Chứng minh nhân dân 9 số và 12 số, tuy nhiên, thời điểm này mới chỉ cấp ở 16 tỉnh, thành phố.

Theo quy định, đến năm 2020 sẽ thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân đồng bộ trên cả nước, tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có thông tin chính thức về việc này. Vanbanluat sẽ cập nhật đầy đủ và kịp thời khi có quy định mới được ban hành.

Lưu ý: Chứng minh nhân dân 9 số và 12 số được cấp trước đây còn thời hạn sử dụng thì vẫn có giá trị, nếu có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.

Xem thêm:

Tổng hợp những điều cần biết về căn cước công dân

hieuluat.vn

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X