Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, mới đây Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông với nhiều điểm mới, phù hợp hơn với xã hội hiện đại.
Định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn
Nếu như Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay chỉ chia thành các cấp học: Chương trình Tiểu học, Chương trình Trung học cơ sở, Chương trình Trung học phổ thông thì tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT lại thiên về chia chương trình thành 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Đây là xu thế phù hợp với xã hội hiện đại khi mà nhiều học sinh sau 12 năm học không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng làm trái ngành, trái nghề làm lãng phí nguồn lực của xã hội.
Chương trình giáo dục phổ thông mới có gì khác biệt?
Có nhiều hoạt động trải nghiệm
Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành, có thể nhận thấy hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc ở tất cả các cấp học. Đây là một điểm mới đáng lưu ý so với Chương trình hiện hành.
Ở cấp tiểu học, hoạt động trải nghiệm được diễn ra 105 tiết/năm học từ lớp 1 đến lớp 5. Ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông hoạt động này vừa mang tính trải nghiệm vừa mang tính hướng nghiệp và diễn ra lên đến 105 tiết/năm học.
Cấp THPT chỉ có 5 môn học bắt buộc
Thay vì có đến 13 môn học bắt buộc như chương trình hiện hành, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã rút gọn còn 5 môn học bắt buộc trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Giáo dục thể chất.
Đồng thời có 2 hoạt động giáo dục bắt buộc gồm hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương.
Các môn học lựa chọn được chia làm 3 nhóm môn: Khoa học xã hội; Khoa học tự nhiên; Công nghệ và nghệ thuật để học sinh chủ động lựa chọn theo sở thích và năng lực.
Môn tin học được chú trọng hơn
Nếu như chương trình giáo dục hiện hành, môn tin học chỉ là môn bắt buộc từ lớp 10 thì đến Chương trình giáo dục phổ thông mới, môn tin học xuất hiện từ chương trình lớp 3 và là môn học bắt buộc cho đến hết lớp 9. Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, giáo dục tin học đóng vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho học sinh khả năng tìm kiếm, tiếp nhận, mở rộng tri thức và sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư và toàn cầu hoá; hỗ trợ đắc lực cho việc tự học của học sinh; tạo cơ sở vững chắc cho việc ứng dụng công nghệ kĩ thuật số, phục vụ phát triển nội dung kiến thức mới, triển khai phương thức giáo dục mới và hiện đại cho tất cả các môn học và hoạt động giáo dục…
hieuluat.vn