Mỗi chiều 30 Tết, câu chuyện các thương lái đập bỏ, cắt gốc hoa Tết tránh người mua có tư tưởng ép giá, xin hoa không còn là chuyện mới. Một mảng tranh tối đằng sau những chợ hoa Tết sặc sỡ sắc màu, và không nhiều người biết đó còn có thể là hành vi phạm luật.
Câu chuyện muôn thuở ngày 30 Tết
Trưa 30 Tết, hầu hết các chợ hoa tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội đều hoặc bán rẻ như cho, hoặc đập bỏ để không bị xin, bị ép giá tránh “tạo thói quen” xấu cho người tiêu dùng. Tại các tỉnh, thành khác, thông thường chiều 30 Tết mới xảy ra tình trạng này vì không bị ép trả lại mặt bằng vào trưa 30 như nhiều thành phố lớn.
Gần đến giờ trả lại mặt bằng, các thương lái buôn hoa ra sức đập bỏ. Trong phút chốc, hàng chục triệu đồng hóa thành “rác”. Tại các chợ hoa lớn, thương lái chỉ việc bỏ lại, dọn dẹp đã có bộ phận vệ sinh môi trường tiến hành do giá thuê địa điểm đã bao gồm cả dịch vụ này. Tuy nhiên, ở các chợ hoa tự phát, các chợ hoa nhỏ, chợ hoa ở các thị trấn, huyện, tỉnh… thương lái mặc nhiên bỏ lại rác, từ rác thải sinh hoạt do quá trình kinh doanh phát sinh, đến những gốc hoa đã phá bỏ… mặc kệ môi trường. Đây là hành vi phạm luật nhưng nhiều người lại không hề để ý.
Chợ hoa xả rác chiều 30 Tết liệu có phạm luật?
Xả rác sẽ bị xử phạt
Hiện nay, quy định xử phạt về môi trường được quy định chi tiết tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Đối với hành vi vứt, bỏ, thải rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 3-5 triệu đồng. Nghiêm trọng hơn, nếu số lượng rác này bị vứt bỏ trên vỉa hè, đường phố hoặc hệ thống thoát nước thải đô thị sẽ bị xử phạt từ 5-7 triệu đồng.
Mặc dù quy định xử phạt đã có từ lâu, nhưng nhiều người dường như không quan tâm hoặc lờ đi để tiếp tục xả rác ra môi trường, gây mất thẩm mỹ nhất là khi thời khắc giao thừa đã gần đến.
hieuluat.vn