Có không ít người người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại địa phương mình làm việc trước đây, nay muốn chuyển địa điểm hưởng trợ cấp về quê hoặc một địa điểm khác cho thuận tiện sinh hoạt, đi lại,… Vậy, thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp thế nào?
Có được chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định về chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
“Người lao động đã hưởng ít nhất 01 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và gửi trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.”
Theo đó, trường hợp bạn đã hưởng trợ cấp thất nghiệp ít nhất 01 tháng nay có nhu cầu chuyển nơi hưởng thì có thể chuyển về nhận tại quê theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định.
Hướng dẫn chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp (Ảnh minh họa)
Trình tự, thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp thế nào?
Khoản 2, khoản 4, khoản 7 Điều 22 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định về quy trình, thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của người lao động, trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động và gửi giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động chuyển đến.
Hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:
+ Đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động;
+ Giấy giới thiệu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp;
+ Bản chụp quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp;
+ Bản chụp các quyết định hỗ trợ học nghề, quyết định tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có);
+ Bản chụp thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng (nếu có), các giấy tờ khác có trong hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cung cấp hồ sơ chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động chuyển đi gửi thông báo về việc chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh để dừng việc chi trả trợ cấp thất nghiệp;
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, trung tâm dịch vụ việc làm gửi văn bản đề nghị Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh nơi chuyển đến để tiếp tục chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp thẻ BHYT cho người lao động kèm theo bản chụp quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Trong thời gian chuyển nơi hưởng, có phải thông báo tìm kiếm việc không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH về thông báo về việc tìm kiếm việc làm như sa:
“Điều 10. Thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định tại Điều 52 Luật Việc làm
5. Trường hợp ngày thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm của người lao động nằm trong khoảng thời gian làm thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP thì người lao động không phải thực hiện việc thông báo về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm.
Như vậy, nếu ngày thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm của bạn nằm trong khoảng thời gian làm thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp thì bạn không phải thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm.
Để hiểu rõ hơn về trường hợp này, bạn có thể theo dõi ví dụ dưới đây:
Ông A có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian 03 tháng.
Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ 01 từ ngày 02/7/2015 - 01/8/2015;
Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ 02 từ ngày 02/8/2015 - 01/9/2015;
Tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ 03 từ ngày 02/9/2015 - 01/10/2015.
Sau khi hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên, ngày 28/7/2015 Ông A làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khi ngày thông báo về việc tìm kiếm việc làm tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ 02 của ông là ngày 03 - 05/8/2015.
Như vậy, ông A không phải thực hiện việc thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng với trung tâm dịch vụ việc làm nơi chuyển đi cũng như nơi chuyển đến mà không bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trên đây là giải đáp về chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Mẫu Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2021 thế nào?