Có bắt buộc nhập hộ khẩu về nhà chồng sau khi cưới không?
Vợ, chồng có quyền tự quyết định nơi cư trú của mình sau khi kết hôn, không bắt buộc vợ phải nhập hộ khẩu về nhà chồng sau khi cưới.
Nam và nữ sau khi đăng ký kết hôn sẽ phát sinh phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Trong đó có bao gồm quyền được lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng. Việc lựa chọn này là do vợ chồng tự thỏa thuận mà không được ràng buộc bởi phong tục, tập quán hay về địa giới hành chính, căn cứ Điều 20 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Đồng thời, pháp luật cũng không quy định vợ và chồng phải có cùng nơi cư trú. Cụ thể theokhoản 2 Điều 43 Bộ luật Dân sự năm 2015 và khoản 2 Điều 14 của Luật Cư trú năm 2020 thì vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau.
Như vậy, pháp luật về hôn nhân gia đình và pháp luật về cư trú hiện nay cho phép vợ, chồng tự quyết định nơi cư trú của mình sau khi kết hôn.
Căn cứ khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú năm 2020 thì vợ được nhập hộ khẩu về ở với chồng tại chỗ ở hợp pháp thuộc sở hữu của mình/không thuộc quyền sở hữu của mình thì phải được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý.
Theo đó có thể thấy quy định trên không bắt buộc vợ phải nhập hộ khẩu về nhà chồng sau khi cưới. Việc nhập hộ khẩu này được thực hiện dựa trên sự lựa chọn, đồng ý giữa các bên.
Tuy nhiên lưu ý tại khoản 4 Điều 22 Luật Cư trú năm 2020 có quy định như sau:
“4. Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật này trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.”
Như vậy, nếu trường hợp vợ chuyển chỗ ở đến nhà chồng và đủ điều kiện đăng ký thường trú (được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở đồng ý cho nhập hộ khẩu) thì có trách nhiệm đăng ký thường trú trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.
Thủ tục nhập hộ khẩu về nhà chồng mới nhất
Thủ tục nhập hộ khẩu về nhà chồng mới nhất
Trình tự thực hiện:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ nhập hộ khẩu bao gồm:
- Tờ khai thay đổi thông tin về nơi cư trú;
Lưu ý:
+ Tờ khai này phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho nhập khẩu của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền.
+ Hoặc phải có văn bản khác thể hiện sự đồng ý của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở.
- Giấy tờ chứng minh quan hệ với chủ hộ hoặc thành viên khác trong hộ gia đình. Trong trường hợp này cần chuẩn bị Giấy đăng ký kết hôn.
Một số địa phương có thể không yêu cầu giấy này nếu thông tin đã thể hiện đầy đủ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú
- Nộp tại Công an cấp cấp xã
- Hoặc thực hiện online qua các cổng dịch vụ công.
Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ
Cán bộ tại cơ quan đăng ký cư trú trú kiểm tra tính pháp lý và nội dung của hồ sơ.
Cán bộ tiếp nhận yêu cầu bổ sung hồ sơ cần thiết hoặc cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả hoặc phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ.
Bước 4: Nộp lệ phí
Bước 5: Nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục nhập hộ khẩu.
Chậm chuyển khẩu về nhà chồng có bị phạt không?
Như đã đề cập đến tại phần trên, pháp luật hiện nay không bắt buộc vợ phải chuyển về nhà chồng sau khi kết hôn. Do đó, việc chậm chuyển khẩu về nhà chồng sẽ không bị phạt.
Tuy nhiên đối với trường hợp người vợ đã chuyển chỗ ở đến nhà chồng và đủ điều kiện đăng ký thường trú (được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở đồng ý cho nhập hộ khẩu) thì có trách nhiệm đăng ký thường trú trong vòng 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện..
Theo đó, nếu thuộc trường hợp nêu trên mà sau 12 tháng mới thực hiện đăng ký thường trú thì sẽ bị xử phạt theo điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP với mức phạt từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng.
Có làm được khai sinh cho con nếu không chuyển khẩu về nhà chồng?
Vẫn làm được khai sinh cho con nếu người vợ chưa chuyển hộ khẩu về chồng.
Căn cứ quy định tại Điều 13 Luật Hộ tịch năm 2014 có quy định UBND cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ có thẩm quyền thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ.
Ngoài ra, căn cứ Điều 9 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định các loại giấy tờ cần thiết khi làm giấy khai sinh cho trẻ bao gồm:
- Giấy tờ tùy thân của người yêu cầu làm giấy khai sinh
- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú của người yêu cầu
- Xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn nếu đã kết hôn.
- Tờ khai đăng ký khai sinh;
- Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác xác nhận về việc sinh; Trong một số trường hợp sẽ yêu cầu có: biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi, văn bản chứng minh việc mang thai hộ;
- Văn bản thỏa thuận về việc lựa chọn quốc tịch cho con đối với trường hợp cha, mẹ là người nước ngoài;
Như vậy, quy định này không đề cập gì đến giấy tờ chứng minh cha mẹ có cùng nơi cư trú hay hộ khẩu. Tóm lại, hiện nay pháp luật cho phép cha, mẹ có thể tự lựa chọn nơi cư trú và không cần thiết có cùng hộ khẩu khi làm giấy khai sinh cho con.
Trên đây là thông tin giải đáp câu hỏi có bắt buộc chuyển hộ khẩu về nhà chồng sau khi cưới không? Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ theo số 19006192 để được hỗ trợ.