hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 05/06/2019
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Có bị xử lý nếu “ăn ốc” nhưng không chịu “đổ vỏ”?

Chuyện ăn ốc, đổ vỏ, chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày nay khá phổ biến. Người ta đã quá quen với việc “sống thử” và khi xảy ra trục trặc, phần thiệt luôn nằm về phái yếu. Vậy người đàn ông có bị xử lý nếu “ăn ốc” nhưng không chịu “đổ vỏ”?

Không hề phạm pháp

Yêu đương là chuyện của 2 người và hôn nhân cũng vậy. Một trong những điều kiện kết hôn của 2 bên nam nữ được quy định trong Luật Hôn nhân gia đình là sự tự nguyện. Nếu 1 trong 2 bên không tự nguyện thì có thể dẫn đến việc đăng ký kết hôn không được pháp luật thừa nhận. Nếu đã đăng ký kết hôn do bị cưỡng ép còn có thể yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Vì thế, có thể nói dù “ăn ốc” nhưng không chịu “đổ vỏ”, dù làm bạn gái có thai nhưng không chịu cưới cũng không có cơ sở gì kết luận người đàn ông phạm tội. Bởi quan hệ tình dục là sự tự nguyện của hai bên (trừ trường hợp quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi). Đã là tự nguyện thì bản thân 2 bên phải tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình.

Lúc này, xã hội chỉ có thể  lên án người đàn ông bằng những chuẩn mực đạo đức mà thôi.

Có bị xử lý nếu không cưới khi làm người yêu mang thai?

Có bị xử lý nếu không cưới khi làm người yêu mang thai?

 

Không cưới nhưng vẫn phải cấp dưỡng cho con

Chuyện có xác lập quan hệ hôn nhân sau khi làm bạn gái có thai hay không, pháp luật không thể can thiệp. Tuy nhiên, người đàn ông bắt buộc phải có trách nhiệm với đứa trẻ là con của mình khi đã được xác định chính xác quan hệ cha con.

Cụ thể, Luật Hôn nhân và gia đình quy định rõ con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình. Cha mẹ có nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Như vậy, dù cha mẹ có kết hôn với nhau hay không, quan hệ huyết thống là không thể phủ nhận. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con và không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Theo Nghị định 110/2013/NĐ-CP, nếu người cha trốn tránh việc cấp dưỡng có thể bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng.

Nghiêm trọng hơn, nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm (Bộ luật hình sự 2015).

Xem thêm:

Làm gì khi cha/mẹ không chịu cấp dưỡng cho con sau ly hôn?

hieuluat.vn

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X