Cán bộ, công chức là người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Vậy theo quy định hiện nay, Thư ký Tòa án không phải kê khai tài sản có đúng không?
Trả lời:
Thư ký Tòa án là công chức hay viên chức?
Điều 7 Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định công chức trong hệ thống Tòa án nhân dân bao gồm:
- Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án, Phó Chánh án các tòa và tòa chuyên trách; Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; thư ký tòa án; người làm việc trong văn phòng, vụ, ban và các tòa, tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tối cao.
- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Chánh án, Phó Chánh án các tòa chuyên trách; Thẩm định Tòa án nhân dân cấp tỉnh; thư ký tòa án; người làm việc trong văn phòng, phòng, ban và Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện; Thẩm phán tòa án nhân dân cấp huyện; thư ký tòa án; người làm việc trong tòa án nhân dân cấp huyện.
Theo đó, thư ký tòa án là công chức trong hệ thống tòa án.
Có đúng Thư ký Tòa án không phải kê khai tài sản năm 2022? (Ảnh minh họa)
Thư ký Tòa án không phải kê khai tài sản?
Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định kê khai tài sản là việc ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo Mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập.
Việc kê khai tài sản, thu nhập này giúp Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập biết rõ về tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.
Theo đó, Điều 10 Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo điểm b khoản 3 Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập bao gồm:
1. Các ngạch công chức và chức danh sau đây: chấp hành viên, điều tra viên, kế toán viên, kiểm lâm viên, kiểm sát viên, kiểm soát viên ngân hàng, kiểm soát viên thị trường, kiểm toán viên, kiểm tra viên của Đảng, kiểm tra viên hải quan, kiểm tra viên thuế, thanh tra viên, thẩm phán.
2. Những người giữ chức vục lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP.
3. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trước đây, khoản 8 Điều 7 Nghị định 78/2013/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập bao gồm: điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm toán viên nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên nhà nước.
Như vậy, từ ngày 20/12/2020, khi Nghị định 130/2020/NĐ-CP có hiệu lực thì Thư ký Tòa án không còn thuộc đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm.
Đồng thời, quy định này còn bổ sung môt số đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm gồm: kiểm lâm viên; kiểm soát viên ngân hàng; kiểm soát viên thị trường; kiểm tra viên của Đảng; kiểm tra viên hải quan; kiểm tra viên thuế.
Kiểm sát viên, Thẩm phán có phải kê khai tài sản không?
Căn cứ khoản 1 Điều 10 Nghị định 130/2020/NĐ-CP, các ngạch công chức sau phải kê khai tài sản:
- Chấp hành viên;
- Điều tra viên;
- Kế toán viên;
- Kiểm lâm viên;
- Kiểm sát viên;
- Kiểm soát viên ngân hàng;
- Kiểm soát viên thị trường;
- Kiểm toán viên;
- Kiểm tra viên của Đảng;
- Kiểm tra viên hải quan;
- Kiểm tra viên thuế;
- Thanh tra viên;
- Thẩm phán.
Như vậy, Thẩm phán và Kiểm sát viên đều thuộc đối tượng phải kê khai tài sản theo quy định.
Trên đây là câu trả lời của câu hỏi: Có đúng thư ký không phải kê khai tài sản?. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi tại đây. Các chuyên gia pháp lý của hieuluat.vn sẽ hỗ trợ bạn câu trả lời trong vòng 24h giờ làm việc, nếu câu hỏi đầy đủ thông tin.