hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 07/06/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Có được thỏa thuận thử việc mà không ký kết hợp đồng?

Hầu hết các doanh nghiệp trước khi tuyển dụng người lao động vào làm việc chính thức đều yêu cầu trải qua quá trình thử việc. Vậy, người lao động khi thử việc có bắt buộc phải ký hợp đồng? Cùng tìm hiểu vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Có được thỏa thuận thử việc mà không ký hợp đồng?
  • Năm 2021, người lao động thử việc trong bao lâu?
  • Người lao động phải làm gì để bảo vệ quyền lợi?
Câu hỏi: Ngày 1/5/2021, tôi có gửi CV xin việc làm ở Công ty X với chức vụ nhân viên bán hàng không yêu cầu trình độ. Ngày 6/5/2021, tôi được công ty gửi email mời tôi đến phỏng vấn. Ngày 7/5/2021, tôi bắt đầu làm việc ở công ty X với vị trí nhân viên bán hàng thử việc 1 tháng và không có ký kết hợp đồng thử việc. Vậy cho tôi hỏi, công ty không giao kết hợp đồng thử việc với tôi có vi phạm pháp luật không? Công ty có vi phạm quy định về thời gian thử việc không ?  - Thu Hà (Nghệ An)

Có được thỏa thuận thử việc mà không ký hợp đồng?

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 đã quy định về thử việc như sau:

“Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.”

Theo đó, các bên khi có thỏa thuận về việc làm thử thì có thể ghi nhận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng thử việc.

Tuy nhiên BLLĐ năm 2019 lại không đặt ra quy định cụ thể về hình thức của hợp đồng thử việc mà chỉ quy định về hình thức của hợp đồng lao động.

Theo Điều 14 BLLĐ năm 2019, hợp đồng lao động có thể được giao kết dưới 03 hình thức: văn bản, lời nói, dữ liệu điện tử. Trong đó, với hợp đồng lao động bằng lời nói chỉ được áp dụng đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng nhưng với trường hợp này người lao động sẽ không phải thử việc (căn cứ khoản 2 Điều 14 và khoản 3 Điều 24 BLLĐ năm 2019).

Chính vì vậy, nếu lựa chọn thỏa thuận thử việc tại hợp đồng lao động, các bên sẽ phải tiến hành giao kết hợp đồng bằng văn bản hoặc thông qua dữ liệu điện tử. Còn nếu giao kết hợp đồng thử việc, các bên được tùy chọn hình thức của hợp đồng.

Như vậy, khi thử việc, các bên không bắt buộc phải ký thành hợp đồng mà có thể thỏa thuận miệng về hợp đồng thử việc.Đồng nghĩa với đó, dù có thỏa thuận về thử việc nhưng không ký hợp đồng vẫn được coi là đúng luật.

Do đó, việc công ty X không ký hợp đồng thử việc với bạn là không trái với quy định của pháp luật.

 Có được thỏa thuận thử việc mà không ký kết hợp đồng? (Ảnh minh họa)


Năm 2021, người lao động thử việc trong bao lâu?

Theo khoản 1 Điều 24 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019, người sử dụng lao động và người lao động khi có thỏa thuận về thử việc thì có thể ghi nhận nội dung này trong hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng thử việc.

Trên cơ sở thỏa thuận của các bên, thời gian thử việc cũng sẽ do các bên quyết định nhưng vẫn phải đảm bảo thời gian tối đa theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Điều 25 BLLĐ năm 2019 ghi nhận, thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với 01 công việc và bảo đảm điều kiện:

- Không quá 180 ngày: Công việc của người quản lý doanh nghiệp;

- Không quá 60 ngày: Công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

- Không quá 30 ngày: Công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

- Không quá 06 ngày làm việc: Công việc khác.

Theo đó, người sử dụng lao động chỉ được yêu cầu người lao động thử việc trong các khoảng thời gian nêu trên.

Theo như bạn trình bày, bạn thử việc ở vị trí nhân viên bán hàng không yêu cầu trình độ. Đối với công việc của bạn thì thời gian thử việc là không quá 6 ngày làm việc. Do đó, việc công ty X yêu cầu bạn thử việc 1 tháng là trái với quy định của pháp luật về thời gian thử việc.

 

Người lao động phải làm gì để bảo vệ quyền lợi?

Căn cứ theo điểm b, khoản 2 và điểm a, khoản 3 Điều 9 Nghị định 28/2020/NĐ-CP:

“Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

b) Thử việc quá thời gian quy định

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a, b, c, d khoản 2 Điều này”

Theo quy định trên, công ty X sẽ bị xử phạt 2 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi yêu cầu thử việc quá thời hạn quy định. Ngoài ra, công ty X còn buộc phải trả đủ tiền lương của công việc đó cho bạn.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn có thể tố cáo hành vi của công ty X với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử phạt: Chủ tịch UBND, Thanh tra lao động ( Theo Điều 49 và Điều 50 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).

Trên đây là giải đáp về Có được thỏa thuận thử việc mà không ký kết hợp đồng? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Xem thêm: Doanh nghiệp có được ký hợp đồng thử việc hai lần?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X