Tình trạng nhân viên đi sớm về muộn không phải là hiếm gặp ở các doanh nghiệp. Để ngăn chặn tình trạng này diễn ra, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn biện pháp trừ lương thay vì kỷ luật lao động. Vậy việc làm này của doanh nghiệp có trái pháp luật?
Người lao động đi làm muộn có bị trừ lương không?
Em là sinh viên năm 3, hiện nay em có đi làm thêm cho một siêu thị với hợp đồng 6 tháng. Thời gian làm việc từ 17h30 đến 22h00. Tháng trước, do có vài hôm tan học muộn, cùng với tắc đường nên e bị trễ giờ làm khoảng 15 - 20 phút tùy hôm. Đến cuối tháng nhận lương, em bị trừ 300.000 đồng. Em có thắc mắc thì bà chủ trả lời là do em đi làm muộn. Vậy cho em hỏi là hành vi trừ lương nhân viên đi làm muộn có trái pháp luật không? - Hải Anh (haianhn…@gmail.com)
Trả lời:
Theo quy định của Bộ luật Lao động (BLLĐ), nội quy lao động sẽ do người sử dụng lao động ban hành, trong đó có nội dung về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Người lao động làm việc trong doanh nghiệp có nghĩa vụ chấp hành nội quy lao động mà doanh nghiệp quy định.
Trường hợp của bạn đi làm muộn được xác định là vi phạm nội quy lao động, theo đó, doanh nghiệp hoàn toàn có thể áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật lao động như: khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương,…
Tuy nhiên, dù được xử lý kỷ luật bạn nhưng doanh nghiệp cũng tuyệt đối không được trừ lương bởi đây là hành vi bị cấm khi xử lý kỷ luật lao động được quy định tại Điều 128 BLLĐ năm 2012 (Điều 127 BLLĐ năm 2019):
Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động
1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Như vậy, có thể khẳng định, hành vi trừ lương do bạn đi muộn của chủ siêu thị là hành vi trái pháp luật. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng theo điểm b khoản 3 Điều 18 Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Đồng thời, chủ siêu thị còn buộc phải trả đủ lương cho bạn (căn cứ điểm b khoản 4 Điều 18 Nghị định 28).
Công ty có được trừ lương nhân viên đi làm muộn? (Ảnh minh họa)
Nhân viên đi làm muộn có thể bị xử lý theo những hình thức nào?
Em làm kế toán cho công ty may X. Do nhà xa, mà trên đoạn đường đi làm của em có nhiều công trình đang thi công nên thường xuyên tắc đường. Tháng này, e bị muộn làm mất 8 ngày. Vì vậy, công ty quyết định tiến hành kỷ luật đối với em. Vậy cho em hỏi là liệu em sẽ bị xử lý thế nào? - Ngân Phạm (phamngan…@gmail.com)
Trả lời:
Nếu công ty của bạn có quy định về hành vi đi làm muộn là vi phạm kỷ luật lao động trong nội quy lao động thì công ty hoàn toàn có quyền xử lý kỷ luật đối với bạn. Theo Điều 125 BLLĐ năm 2012 (có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020) và Điều 124 BLLĐ năm 2019 (có hiệu lực từ 01/01/2021), có 04 hình thức xử lý kỷ luật sau:
- Khiển trách.
- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
- Cách chức.
- Sa thải.
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà doanh nghiệp sẽ áp dụng hình thức xử lý kỷ luật phù hợp. Việc áp dụng mức phạt đối với hành vi vi phạm phải được nêu rõ trong nội quy lao động.
Như vậy, tùy thuộc vào nội quy lao động của công ty mà bạn có thể bị xử lý kỷ luật theo một trong các hình thức trên.
Khi nào công ty được phép trừ lương người lao động?
Công ty tôi đang lấy ý kiến người lao động về việc phạt tiền bằng cách trừ trực tiếp vào lương đối với một số lỗi như mặc sai đồng phục, đi làm muộn, về sớm, sử dụng điện thoại trong giờ… Vậy cho tôi hỏi công ty được phép trừ lương người lao động trong những trường hợp nào? - Xuân Vinh (vinhtr…@yahoo.com)
Trả lời:
Theo Điều 128 BLLĐ năm 2012 (Điều 127 BLLĐ năm 2019), người sử dụng lao động không được phép phạt tiền, cắt lương để thay cho việc xử lý kỷ luật lao động. Do đó, trường hợp công ty bạn lên lấy ý kiến về xử lý người lao động vi phạm về đồng phục, giờ giấc,… hoàn toàn trái quy định pháp luật lao động.
Theo Điều 101 BLLĐ 2012 (Điều 102 BLLĐ năm 2019), người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản. Đây là trường hợp duy nhất người sử dụng lao động được phép trừ lương của người lao động.
Theo đó, công ty chỉ được phép khấu trừ tiền lương hàng tháng chứ không được trừ toàn bộ tiền lương để bồi thường thiệt hại mà người lao động gây ra. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
Như vậy, công ty chỉ được phép trừ lương của nhân viên khi người này làm hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản. Còn việc lấy ý kiến về vấn đề trừ lương khi người lao động vi phạm, kể cả công nhân đồng ý thì công ty của bạn cũng không được áp dụng. Vì đây là hành vi bị pháp luật lao động nghiêm cấm.
Như vậy có thể khẳng định, công ty không được phép trừ lương khi nhân viên đi làm muộn. Nếu có băn khoăn về vấn đề này cũng như các vấn đề pháp lý khác, bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi tại đây.