Việc mua bất động sản qua vi bằng đang ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, những người không nắm rõ quy định pháp luật về vi bằng có thể phải chịu nhiều rủi ro pháp lý.
Bản chất của vi bằng
Theo Nghị định 61/2009/NĐ-CP, vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
Hiện nay, không ít người đang đồng nhất khái niệm vi bằng và công chứng. Tuy nhiên, đây là hai loại văn bản có giá trị pháp lý hoàn toàn khác nhau.
Công chứng có thể chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản. Tuy nhiên, vi bằng chỉ ghi nhận nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi, có thể có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh khác chứ không chứng nhận được tính hợp pháp của hành vi, giao dịch…
Như vậy, vi bằng chỉ có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án; là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Có nên mua bất động sản qua vi bằng?
Có nên mua bất động sản qua vi bằng?
Như đã phân tích ở trên, lập vi bằng không thể chứng minh được tính hợp pháp của giao dịch. Vì thế, việc mua bất động sản qua vi bằng tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.
Vi bằng chỉ xác nhận việc giao tiền, giao nhận giấy tờ giữa hai bên… chứ không chứng minh được bất động sản đó đủ điều kiện chuyển nhượng, mua bán hay không… Khi xảy ra tranh chấp, vi bằng không có giá trị pháp lý mà chỉ có giá trị chứng cứ và giao dịch mua bán bất động sản hoàn toàn có thể bị tuyên vô hiệu.
Trong một số trường hợp lập vi bằng được coi là sai thẩm quyền như trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp và các trường hợp khác do pháp luật quy định.
hieuluat.vn