Thực tế đã có không ít trường hợp con vay tiền mà chủ nợ lại ép bố mẹ trả nợ thay dẫn đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật như xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng…
Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015, khi vay tài sản (vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản), bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và trả lãi (nếu có).
Nếu tài sản vay là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản vay là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất không quá 10%/năm trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn, bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất không quá 10%/năm.
Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Nghĩa vụ trả nợ của người vay
Con vay tiền, bố mẹ phải trả nợ thay?
Cũng theo quy định của Bộ luật này, cụ thể tại Điều 21, trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch dân sự sẽ phục thuộc vào độ tuổi. Cụ thể:
- Đối với người chưa đủ 06 tuổi:
Các giao dịch dân sự do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
- Đối với người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi:
Các giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
- Đối với người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi:
Các giao dịch dân sự được tự mình xác lập, thực hiện, trừ giao dịch liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch khác theo quy định phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
- Đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự:
Được tự mình xác lập và thực hiện mọi giao dịch dân sự.
Với những quy định này, có thể khẳng định:
- Nếu con chưa đủ 15 tuổi vay tiền: Phải do bố mẹ thực hiện hoặc được sự đồng ý của bố mẹ.
- Nếu con đã đủ 15 tuổi trở lên vay tiền: Người con phải chịu trách nhiệm về khoản vay, bố mẹ không có nghĩa vụ phải trả nợ thay, trừ khi bố mẹ tự nguyện trả nợ thay con.
Xem thêm: