hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 27/04/2019
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Công chức có được làm thêm bên ngoài để kiếm thêm thu nhập không?

Câu hỏi: Tôi đang là công chức làm việc tại ủy ban. Hiện nay tôi muốn làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm tiền. Tôi muốn hỏi công chức có được làm thêm bên ngoài để kiếm thêm thu nhập không? Có được thành lập doanh nghiệp không?

Công chức có được làm thêm bên ngoài để kiếm thêm thu nhập không?

Công chức có được làm thêm bên ngoài để kiếm thêm thu nhập không?

Hiện nay, những việc công chức không được làm được quy định tại Mục 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Cụ thể tại Điều 18, 19 và 20 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 có quy định cấm công chức thực hiện những việc sau:

(1) Nhóm việc liên quan đến đạo đức công vụ:

- Công chức không được trốn tránh trách nhiệm, thoái thác đối với nhiệm vụ được giao; cũng như không được gây bè phái, mất đoàn kết; tham gia đình công hoặc tự ý bỏ việc.

- Công chức không được sử dụng tài sản của Nhà nước và nhân dân trái quy định.

- Công chức không được lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn và không được sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi.

- Công chức không được có sự phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới bất kỳ hình thức nào.

(2) Nhóm việc liên quan đến bí mật Nhà nước:

- Công chức không được tiết lộ những thông tin liên quan về bí mật nhà nước bằng bất kỳ hình thức nào.

- Công chức không được làm công việc có sự liên quan đến ngành, nghề liên quan đến bí mật nhà nước  trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi có quyết định cho thôi việc, nghỉ hưu.

(3) Những việc khác công chức không được làm:

- Công chức không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, và công tác nhân sự theo quy định tại những Luật khác như là Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng, chống tham nhũng và những việc khác trong các quy định pháp luật và theo quy định của của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, pháp luật hiện nay không cấm công chức làm thêm ngoài giờ. Tuy nhiên việc làm thêm ngoài giờ của công chức phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật như về ngành nghề làm thêm, thời gian làm thêm không được ảnh hưởng đến giờ làm việc, không được làm những việc pháp luật nghiêm cấm... và các quy định khác có liên quan.

Công chức có được mở công ty để kinh doanh không?

Công chức có được mở công ty để kinh doanh không?

Công chức có được mở công ty để kinh doanh không?

Căn cứ khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định một số trường hợp cá nhân, tổ chức không có quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam như sau:

“Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp

...

2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.”

Như vậy, tại điểm b nêu trên có quy định cụ thể không cho phép công chức được mở công ty để kinh doanh.

Bên cạnh đó tuy không được thành lập doanh nghiệp nhưng công chức có thể góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên cần lưu ý một số quy định về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp như sau:

- Công chức không được tham gia quản lý, điều hành công ty;

- Công chức là người đứng đầu hoặc cấp phó không được góp vốn vào doanh nghiệp trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý.

Công chức có được bán hàng đa cấp không?

Bán hàng đa cấp là việc kinh doanh thông qua mạng lưới phân người tham gia thành nhiều cấp, nhiều nhánh. Trong đó, người bán hàng đa cấp sẽ được hưởng hoa hồng và những lợi ích kinh tế từ kết quả buôn bán của chính người đó và của những người khác trong mạng lưới của mình, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

Bán hàng đa cấp không phải là mô hình kinh doanh bị pháp luật nghiêm cấm. Cách thức kinh doanh này được pháp luật Việt Nam công nhận và có quy định điều chỉnh. Tuy nhiên nhiều năm nay cách thức kinh doanh này xuất hiện nhiều biến tướng, mang tính chất lừa đảo với nhiều rủi ro và tiêu cực trong xã hội.

Theo đó, tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 40/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 1 Nghị định 18/2023/NĐ-CP) có quy định một số trường hợp không được tham gia bán hàng đa cấp bao gồm:

- Người đang chấp hành hình phạt tù

- Người có tiền án về các tội như là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, sản xuất, buôn bán hàng giả, sản xuất, buôn bán hàng cấm, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng và tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp;

- Người nước ngoài nhưng không có giấy phép lao động tại Việt Nam gắn với doanh nghiệp bán hàng đa cấp người này tham gia, trừ khi người này được miễn theo quy định pháp luật.

- Người tham gia bán hàng đa cấp trước đó đã bị xử phạt do vi phạm các quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Nghị định 18/2023/NĐ-CP nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính;

- Cá nhân quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định 18/2023/NĐ-CP;

- Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Như vậy theo quy định trên, công chức thuộc nhóm đối tượng bị cấm tham gia bán hàng đa cấp.

Trên đây là thông tin về vấn đề công chức có được làm thêm bên ngoài để kiếm thêm thu nhập không? Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ theo số 1900.6192 để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X