Để tăng cường trách nhiệm của công chức trong quá trình thi hành công vụ, pháp luật đã quy định công chức gây oan sai phải công khai xin lỗi và bồi thường bằng lương.
Công chức làm sai, phải xin lỗi dân
Người thi hành công vụ làm sai, cơ quan trực tiếp quản lý người đó phải trực tiếp tham gia xin lỗi và cải chính công khai. Buổi cải chính công khai ít nhất phải có các đối tượng sau: người bị thiệt hại, đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý trực tiếp người thi hành công vụ gây thiệt hại, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị thiệt hại cư trú.
Như vậy, pháp luật đã quy định một cách rõ ràng về vấn đề xin lỗi của cơ quan Nhà nước trước dân. Xét cho cùng, việc có sai sót và biết nhìn nhận, thẳng thắn nhận lỗi là một điều tốt. Tuy nhiên, đừng để những lời xin lỗi chỉ là thủ tục, làm cho xong. Cần nghiêm túc nhìn nhận khuyết điểm để sửa đổi và hạn chế tái phạm.
Cán bộ gây oan sai phải bồi thường
Không chỉ xin lỗi, làm sai phải bồi thường
Không chỉ xin lỗi, pháp luật cũng quy rõ trách nhiệm bồi thường của người thi hành công vụ làm sai. Chắc chắn, việc tăng cường quy trách nhiệm bằng lương sẽ khiến cán bộ phải nghiêm túc, cẩn trọng hơn khi giải quyết công vụ.
Đối với người làm sai do lỗi cố ý, gây ra thiệt hại cho dân thì phải bồi thường. Hiện nay, mức bồi thường cao nhất đối với lỗi cố ý là 50 tháng lương của người đó. Đối với lỗi vô ý mà gây ra thiệt hại, mức bồi thường cao nhất là 5 tháng lương (mức này chỉ là mức hoàn trả cho Nhà nước, tính trên số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại).
Lương để hoàn trả là lương cơ sở nhân với hệ số theo ngạch, bậc tại thời điểm có quyết định hoàn trả. Đối với trường hợp đã nghỉ việc thì việc hoàn trả căn cứ vào lương của người đó tại thời điểm trước khi nghỉ việc.
Trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại, mức hoàn trả của một người thi hành công vụ được xác định tương ứng với mức độ lỗi của người đó.
Hiện nay, tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường do các sai phạm cho dân là rất lớn. Tuy nhiên, mức hoàn trả của cán bộ làm sai chỉ như “muối bỏ biển”. Từ 1/7/2018 tới đây, khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Nghị định 68/2018/NĐ-CP có hiệu lực, tăng cường trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ làm sai, hy vọng số tiền Nhà nước phải bỏ ra để thực hiện trách nhiệm bồi thường sẽ giảm.