Công chứng viên là lực lượng duy nhất được Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng. Theo đó, công chứng viên có phải là công chức, viên chức?
Công chứng viên có phải là công chức?
Theo khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 sửa đổi 2019, công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong:
- Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;
- Cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng;
- Cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Xem thêm: Công chức là gì? Cách phân loại công chức theo quy định mới nhất
Đối chiếu với quy định tại Điều 17 Luật Công chứng 2014, công chứng viên có quyền làm việc theo chế độ hợp đồng cho tổ chức hành nghề công chứng gồm Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng.
Mà Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng còn Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp công ty hợp danh.
Như vậy, công chứng viên không phải là công chức. Xin nói thêm, từ ngày 01/7/2020, Trưởng Phòng công chứng không còn là công chức (quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập không còn là công chức).
Công chứng viên là công chức hay viên chức? (Ảnh minh họa)
Công chứng viên có phải là viên chức?
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật (Điều 2 Luật Viên chức 2010).
Xem thêm: Viên chức là gì 2021? Ví dụ cụ thể đơn giản, dễ hiểu
Theo Điều 23 Luật Viên chức 2010, việc tuyển dụng viên chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển.
Như đã nêu ở trên, phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng.
Do đó, nếu công chứng viên của Phòng công chứng được tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển và làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của Phòng công chứng thì được xem là viên chức.
Còn trường hợp làm việc tại Phòng công chứng không qua thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức thì không phải viên chức.
Công chứng viên có được hành nghề với tư cách cá nhân không?
Căn cứ khoản 1 Điều 34 Luật Công chứng 2014, công chứng viên được hành nghề dưới các hình thức sau:
- Công chứng viên của các Phòng công chứng;
- Công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng;
- Công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Văn phòng công chứng.
Thêm vào đó, công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) […]
Như vậy, có thể thấy, công chứng viên phải hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng mà không được hành nghề với tư cách cá nhân.
Kết luận:Công chứng viên có thể là viên chức nếu được tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức, làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc (không phải hợp đồng lao động) tại Phòng công chứng.