Tình trạng người lao động bị nợ lương, chậm trả lương hiện nay không phải là hiếm gặp. Nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, không có khả năng chi trả lương đúng hạn. Vậy, trường hợp công ty nợ lương 03 tháng, người lao động phải làm gì để bảo vệ quyền lợi?
Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn chưa hoàn tất việc thanh toán lương cho tất cả nhân viên. Vậy cho tôi hỏi công ty cứ tiếp tục không chịu trả lương thì chúng tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? - Thúy Hoa (Nghệ An)
Công ty có được nợ lương nhân viên 3 tháng không?
Trước tiên, về nguyên tắc trả lương cho người lao động, Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 đã quy định rất rõ, người sử dụng lao động phải trả lương đầy đủ, trực tiếp, đúng hạn cho người lao động hoặc trả lương cho người được người lao động ủy quyền trong trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp.
Theo đó, đối với người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ (khoản 2 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019).
Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019, trong trường hợp vì lý do bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm,… mà người sử dụng lao động không thể trả lương đúng hạn dù đã tìm mọi biện pháp để khắc phục thì được chậm trả lương cho người lao động không quá 30 ngày.
Như vậy, căn cứ theo quy định này, pháp luật cho phép người sử dụng lao động được chậm trả lương cho người lao động nếu vì lý do bất khả kháng nhưng tối đa không quá 30 ngày.
Do đó, việc công ty nợ lương 03 tháng chưa thanh toán cho nhân viên là vi phạm quy định nêu trêu.
Bị nợ lương 3 tháng, người lao động có được nhận thêm tiền bồi thường?
Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, tại khoản khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
“… nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương”.
Theo đó, trong mọi trường hợp người sử dụng lao động chậm trả lương từ 15 ngày trở lên thì phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm.
Lãi suất này được áp dụng theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Như vậy, xét trong trường hợp của bạn đã bị công ty nợ lương 03 tháng, do đó khi công ty thanh toán lương phải thanh toán thêm một khoản tiền đền bù với mức tối thiểu bằng số tiền lãi của tiền trả chậm.
Công ty nợ lương 03 tháng phải trả thêm khoản tiền lãi cho NLĐ (Ảnh minh họa)
Người lao động phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Nếu công ty vẫn tiếp tục không trả lương sẽ khiến cho đời sống, sinh hoạt người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là đối với những người lao động không có khoản tích cóp. Do đó, để bảo vệ quyền lợi chính mình, người lao động có thể sử dụng một trong các cách sau đây:
- Thứ nhất, thỏa thuận với công ty yêu cầu trả lương
Nếu hai bên cùng tìm được tiếng nói chung, công ty đồng ý thanh toán lương cho người lao động thì đây sẽ là cách giải quyết tối ưu, nhanh chóng và tiết kiệm nhất.
- Thứ hai, gửi đơn khiếu nại công ty không ty không trả lương
Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận chung, người lao động có thể khiếu nại hành vi không trả lương của người lao động tới chính người sử dụng lao động (khiếu nại lần 01) và khiếu nại lên Chánh Thanh trả Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (khiếu nại lần 02) theo Điều 5 và Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
- Thứ ba, tố cáo hành nợ lương của công ty
Theo khoản 1, Điều 37 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động có quyền tố cáo trực tiếp tới cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về hành vi nợ lương của công ty.
Cụ thể, thẩm quyền giải quyết tố cáo được quy định tại Điều 39 và Điều 41 Nghị định 24/2018/NĐ-CP như sau:
+ Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động thuộc phạm vi quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
+ Chánh Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, xử lý tố cáo mà Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã giải quyết nhưng vẫn có tố cáo tiếp hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết; xử lý những vụ việc tố cáo được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao.
- Thứ tư, Hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động
Theo khoản 1, Điều 190 Bộ luật lao động năm 2019, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết là 06 tháng kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp từ người lao động (căn cứ Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019).
Tại phiên họp hòa giải, người lao động phải có mặt hoặc ủy quyền cho người khác tham gia. Tại đây, các bên sẽ thống nhất phương án giải quyết với nhau, khi đó:
+ Trường hợp không thỏa thuận được, người lao động có thể xem xét phương án mà hòa giải viên lao động đưa ra;
+ Trường hợp hòa giải không thành hoặc thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện hoặc hết thời hạn giải quyết thì người lao động có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết
- Thứ năm, khởi kiện tại Tòa án
Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 BLLĐ năm 2019, tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên Lao động, sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án.
Căn cứ khoản 3 Điều 190 BLLĐ năm 2019, thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là 01 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Người lao động gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở và thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự theo quy định.
Trên đây là 05 cách phổ biến mà người lao động có thể sử dụng để bảo vệ quyền lợi của chính mình khi công ty liên tục nợ lương.
Ngoài ra, người lao động còn có thể đình công đòi lại quyền lợi của mình thông qua tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích (căn cứ Điều 199 Bộ luật Lao động 2019).
Trên đây là giải đáp về Công ty nợ lương 3 tháng và hướng dẫn người người lao động cách giải quyết. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Mẫu thông báo chậm trả lương nào được áp dụng hiện nay?