Đăng ký biến động đất đai không còn xa lạ với người sử dụng khi có nhu cầu chuyển nhượng, tặng cho, mua bán đất,... Tuy nhiên quy trình, thủ tục đăng ký biến động không phải ai cũng nắm rõ.
Khi nào cần đăng ký biến động đất đai?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013, việc tiến hành đăng ký biến động đất đai được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Khi thực hiện mua bán, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, để thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; góp vốn, thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
- Có thay đổi về tên, thời hạn; hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất; thay đổi về tài sản gắn liền với đất
- Chuyển mục đích sử dụng đất;
- Chuyển hình thức sử dụng đất từ hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất; từ hình thức Nhà nước cho thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất.
- Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản sản gắn liền với đất chung của vợ và chồng;
- Tiến hành chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình,... sử dụng đất chung, sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;
- Thực hiện việc thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo:
+ Biên bản hòa giải thành về tranh chấp đất đai ;
+ Thỏa thuận của các bên theo hợp đồng thế chấp để xử lý nợ;
+ Quyết định về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai;
+ Bản án hoặc quyết định của Tòa án;
+ Quyết định thi hành án đã có hiệu lực thi hành;...
- Thay đổi, xác lập hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;
- Khi có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.
Như vậy, theo quy định trên, mua bán, chuyển nhượng đất thuộc trường hợp phải đăng ký biến động. Do vậy, bên cạnh việc lập và công chứng hợp đồng mua bán, bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định.
Làm thế nào để đăng ký biến động đất đai đúng quy định pháp luật? (Ảnh minh họa)
Thời hạn đăng ký biến động đất đai là bao lâu?
Như đã trình bày ở phần trên, mua bán, chuyển nhượng đất đai là một trong các trường hợp pháp luật yêu cầu phải đăng ký biến động.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 6 Điều 95 Luật Đất đai 2013, với trường hợp đăng ký biến động khi mua bán, chuyển nhượng đất thì trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động.
Theo đó, ngày có biến động được xác định là ngày hợp đồng chuyển nhượng đất có hiệu lực (hợp đồng chuyển nhượng đất có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng, chứng thực), do vậy trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hiệu lực bạn phải thực hiện đăng ký biến động đất đai.
Trường hợp của bạn do đã để quá 30 ngày chưa đăng ký biến động nên có thể sẽ bị xử phạt từ 02 - 05 triệu đồng căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 17 Nghị định 91 năm 2019.
Nếu phần diện tích đất nhận chuyển nhượng này nằm ở khu vực đô thị thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi. Bên cạnh đó, bạn còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc người đang sử dụng đất phải làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định.
Đăng ký biến động khi chuyển nhượng đất thế nào?
Khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất bạn cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
- Mẫu đơn số 09/ĐK đơn đăng ký biến động đất đai.
Xem chi tiết mẫu đơn và cách ghi thông tin tại đây
- Hợp đồng mua bán đất của các bên đã được công chứng, chứng thực;
- Bản gốc Giấy chứng nhận;
- Các giấy tờ chứng minh nhân thân: Chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân,...
Các bước thực hiện đăng ký biến động cụ thể như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người yêu cầu nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai tại:
- Văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.
- Bộ phận hành chính một cửa đối với các địa phương đã tổ chức thành lập bộ phận này.
+ Hồ sơ thiếu hoặc không hợp lệ: Văn phòng đăng ký hướng dẫn bằng văn bản để người nộp hồ sơ bổ sung đúng quy định.
+ Hồ sơ đầy đủ, hợp lệ: Tiếp nhận, in Phiếu biên nhận, hẹn ngày trả kết quả.
Bước 2: Giải quyết hồ sơ:
Văn phòng đăng ký đất đai sẽ tiến hành kiểm tra từng trường hợp đăng ký biến động đất đai và thực hiện các thủ tục đăng ký biến động đất đai.
Bước 3: Nhận kết quả.
Trên đây là giải đáp về đăng ký biến động đất đai. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.