hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 07/02/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đánh bài tại nhà ngày Tết bị phạt thế nào?

Đánh bài tại nhà ngày tết vì mục đích được thua bằng tiền hoặc hiện vật là hành vi đánh bạc trái phép. Trường hợp này bị đi tù không hay chỉ bị phạt hành chính? HieuLuat giải đáp cho bạn đọc chi tiết trong bài dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Đánh bài tại nhà ngày Tết để giải trí có bị phạt không?
  • Đánh bài bao nhiêu thì bị phạt hành chính?
  • Đánh bài ăn tiền đi tù bao nhiêu năm?

Đánh bài tại nhà ngày Tết để giải trí có bị phạt không?

Câu hỏi: Anh chị cho tôi hỏi, ngày Tết mấy anh em trong nhà tự đánh bài với nhau để giải trí.

Thỉnh thoảng, có chơi ăn tiền nhưng mỗi lần chỉ cược vài nghìn lấy hên chứ không chơi nhiều thì có bị phạt không? - L.V.S (Hải Dương).

Đánh bài tại nhà ngày tết là thói quen của nhiều người.

Tuy nhiên, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu những thành viên tham gia có mục đích được thua bằng tiền, hiện vật, tài sản.

Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hành vi đánh bài (ví dụ tú lơ khơ, tam cúc, tá lả...) mà có mục đích được, mất, hơn thua bằng tiền (không phân biệt mệnh giá, số tiền có được) đều được coi là hành vi đánh bạc trái phép và bị xử phạt hành chính.

Cụ thể, hành vi này bị xử phạt tối đa là 2 triệu đồng và bị tịch thu toàn bộ số tiền có được theo điểm a khoản 2, điểm a khoản 6 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:

Điều 28. Hành vi đánh bạc trái phép

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;
...

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này;
...

Theo quy định trên, đánh bài tại nhà ngày Tết với mục đích ăn thua bằng tiền hay hiện vật dù chỉ vài nghìn đồng cũng được coi là đánh bạc trái phép.

Hình thức đánh bài trái phép bị xử lý hành vi đánh bạc trái phép rất đa dạng như tá lả, tú lơ khơ, 3 cây,..

Chỉ khi đánh bạc giải trí hoàn toàn, không có mục đích ăn thua thì mới không bị phạt.

Tùy vào mức độ vi phạm, người đánh bạc trái phép sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự:

  • Mức phạt hành chính được áp dụng trong trường hợp thông thường là 1,5 triệu đồng và chỉ áp dụng mức phạt thấp nhất/cao nhất nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ/tăng nặng trách nhiệm hành chính;

  • Việc xử lý hình sự đối với hành vi đánh bài tại nhà ngày Tết được chúng tôi trình bày chi tiết ở phần dưới;

Đánh bài tại nhà ngày tết có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự
Đánh bài tại nhà ngày tết có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự

Đánh bài bao nhiêu thì bị phạt hành chính?

Câu hỏi: Tôi có nghe nói, đánh bài ở nhà với số tiền nhỏ chỉ bị phạt hành chính mà không phải đi tù.

Vậy đánh bài bao nhiêu tiền thì bị phạt hành chính?

Mức phạt hành chính quy định như thế nào? - T.Đ.T (Hưng Yên).

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, đánh bài tại nhà ngày Tết vì mục đích hơn thua bằng tiền hoặc hiện vật là một trong những hành vi đánh bạc trái phép và bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Căn cứ Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hành vi đánh bài ngày Tết có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong 2 trường hợp:

  • Số tiền, hiện vật thu được từ hành vi đánh bạc trái phép trị giá từ 5 triệu trở lên;

  • Hoặc số tiền/hiện vật thu được từ hành vi này dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính (về hành vi đánh bạc trái phép hoặc tổ chức đánh bạc, gá bạc) hoặc bị kết án về hành vi đánh bạc trái phép/tổ chức đánh bạc trái phép/gá bạc, chưa được xóa án tích mà tiếp tục vi phạm;

Ngoài 2 trường hợp nêu trên, hành vi đánh bài ngày tết có mục đích được thua bằng tiền, hiện vật bị xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Điều này cũng có nghĩa là, một số trường hợp đánh bài tại nhà ngày Tết được chúng tôi liệt kê dưới đây có thể là hành vi bị xử phạt hành chính:

  • Đối tượng đánh bạc trái phép dưới hình thức đánh bài vi phạm lần đầu và số tiền/hiện vật thu được là dưới 5 triệu đồng;

  • Đối tượng thực hiện hành vi đánh bạc trái phép dưới hình thức đánh bài đã bị kết án về tội này/hoặc tội tổ chức đánh bạc, gá bạc nhưng đã được xóa án tích thực hiện hành vi với số tiền/trị giá hiện vật dưới 5 triệu đồng;

Lưu ý: Xác định tiền/hiện vật dùng để đánh bạc làm căn cứ xử phạt hành chính/xử lý hình sự trong thực tiễn xét xử, áp dụng pháp luật được thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP (văn bản đã hết hiệu lực). Cụ thể gồm:

  • Tiền/hiện vật dùng để đánh bạc thu trực tiếp từ chiếu bạc;

  • Tiền/hiện vật thu giữ được trong người các con bạc/hoặc ở nơi khác mà có căn cứ để xác định đã được hoặc sẽ được con bạc sử dụng để đánh bạc;

  • Tổng số tiền thu được của tất cả các con bạc cùng tham gia đánh bạc là số tiền được sử dụng để xác định trách nhiệm pháp lý của từng con bạc;

  • Khi xác định trách nhiệm hình sự đối với từng người đánh bạc, phải tính tổng số tiền/giá trị hiện vật của từng lần đánh bạc mà không phải của tất cả các lần đánh bạc;

Từ các căn cứ trên, suy ra, số tiền mà tất cả những người tham gia đánh bài tại nhà ngày Tết với mục đích hơn, thua, được, mất dù chỉ là vài nghìn cũng bị xử phạt hành chính nếu họ vi phạm lần đầu.

Nếu những người này đã bị xử phạt hành chính mà còn tiếp tục tái phạm thì dù là vài nghìn vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc.

Với mức xử phạt hành chính, điểm a khoản 3 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như chúng tôi đã nêu trên, quy định như sau:

  • Mức phạt tối thiểu là 1 triệu đồng, tối đa là 2 triệu đồng đối với người vi phạm;

  • Mức phạt này trong trường hợp thông thường là 1,5 triệu đồng (trường hợp không có các tình tiết tăng nặng/giảm nhẹ trách nhiệm hành chính);

  • Người vi phạm ngoài việc bị phạt tiền thì còn bị tịch thu toàn bộ số tiền có được từ hành vi đánh bạc trái phép;

Như vậy, đánh bài tại nhà ngày Tết bằng các loại hình như tá lả, tú lơ khơ, 3 cây,... có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 1 triệu - 2 triệu đồng.

Đánh bạc dưới hình thức đánh bài có thể bị phạt hành chính lên đến 2 triệu
Đánh bạc dưới hình thức đánh bài có thể bị phạt hành chính lên đến 2 triệu

Đánh bài ăn tiền đi tù bao nhiêu năm?

Câu hỏi: Tôi thấy mọi người rất hay tổ chức đánh bài tại nhà ngày Tết, không những thế còn đánh bài ăn tiền.

Vậy đánh bài bao nhiêu tiền thì bị đi tù và mức phạt tù là bao nhiêu năm? - P.L (phaml...@gmail.com).

Đánh bài tại nhà ngày Tết có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Tùy thuộc mức độ nguy hiểm cho xã hội, giá trị tiền/hiện vật đánh bạc, yếu tố nhân thân, các tình tiết tăng nặng/giảm nhẹ trách nhiệm hình sự...mà Tòa án nhân dân quyết định mức phạt cụ thể cho từng người vi phạm.

Cụ thể hơn, mức án phạt đối với hành vi đánh bài tại nhà ngày Tết có thể là:

  • Phạt tiền từ 20 triệu - 100 triệu/hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm/hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm (khung cơ bản tại khoản 1 Điều 321);

  • Phạt tù từ 3 - 7 năm nếu thuộc khung tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 321;

  • Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng - 50 triệu đồng;

Nội dung quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Đánh bạc trái phép có thể phải chịu mức án cao nhất là 7 năm tù
Đánh bạc trái phép có thể phải chịu mức án cao nhất là 7 năm tù

Từ quy định trên, nhận thấy rằng, người nào thực hiện hành vi đánh bài tại nhà ngày Tết nếu thỏa mãn yếu tố cấu thành hình sự về tội đánh bạc thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt:

  • Tại khung cơ bản là phạt tiền đến 100 triệu đồng/phạt cải tạo không giam giữ/tù có thời hạn đến 3 năm;

  • Tại khung tăng nặng trách nhiệm là tù có thời hạn có thể lên đến 7 năm;

Các hành vi cơ bản cấu thành tội đánh bạc có thể là:

  • Số tiền/trị giá hiện vật thu được từ hành vi đánh bạc trái phép là từ 5 triệu đồng trở lên;

  • Số tiền/trị giá hiện vật thu được từ hành vi đánh bạc trái phép dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính/hoặc xử lý hình sự về tội đánh bạc/tổ chức đánh bạc, gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

Trên đây giải đáp về đánh bài tại nhà ngày Tết, nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X