Đặt cọc mua nhà là việc hình thành quan hệ dân sự giữa người mua và người bán nhà. Trên thực tế có nhiều trường hợp, sau khi đã nhận tiền cọc, chủ nhà tìm cách “đánh tháo”, không bán nữa. Lúc này, nhiều người chỉ còn biết ngậm ngùi cầm lại tiền đặt cọc để đi tìm mua chỗ khác. Tuy nhiên, do chưa nắm rõ quy định của pháp luật mà người mua đã để mình vào thế phải chịu thiệt.
Hủy đặt cọc sẽ bị phạt
Bộ luật dân sự 2015 quy định rõ: nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, các bên có quyền thỏa thuận với nhau về việc có phạt hay không và mức phạt như thế nào nếu một bên không tiếp tục thực hiện giao dịch mua bán nhà. Pháp luật tôn trọng thỏa thuận này. Tuy nhiên, nếu hai bên không có thỏa thuận, bên nào hủy cọc sẽ phải bồi thường.
- Nếu bên bán nhà hủy cọc sẽ phải trả lại bên mua số tiền đặt cọc, đồng thời phải đền bù thêm 1 khoản tiền bằng đúng khoản tiền mà bên mua đặt cọc.
- Nếu bên mua hủy cọc thì sẽ bị mất số tiền đã đặt cọc.
Người mua nhà cần nắm rõ quy định này để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp đã đặt cọc mà bị bên bán “hủy kèo”.
Làm gì để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà?
Người mua nhà cần làm gì để đảm bảo quyền lợi?
Ngoài việc gặp rủi ro trong trường hợp chủ nhà hủy cọc, người mua còn bị thiệt hại khi hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu. Vì vậy, khi đi mua nhà, cần chú ý những điều sau đây để bảo vệ quyền lợi cho mình:
- Thỏa thuận mức phạt cao trong hợp đồng đặt cọc để ràng buộc trách nhiệm của người bán.
- Hợp đồng đặt cọc phải lập thành văn bản.
- Nếu thỏa thuận đặt cọc là một phần của hợp đồng mua bán nhà, cần công chứng ngay để tránh trường hợp bên bán yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng bị vô hiệu.
- Chú ý đến năng lực hành vi dân sự của người kí hợp đồng đặt cọc. Trường hợp người tham gia kí hợp đồng đặt cọc không có năng lực hành vi dân sự, giao dịch đặt cọc bị vô hiệu.
- Xác nhận tính tự nguyện của người tham gia kí hợp đồng đặt cọc. Người tham gia giao dịch bị lừa dối, cưỡng ép thì hợp đồng bị vô hiệu.
Bên mua thường là bên bị động trong giao dịch đặt cọc, mua bán nhà. Bởi việc đòi bồi thường không hề dễ dàng. Nhiều trường hợp bị hủy cọc, phải đòi bồi thường thông qua Tòa án với quy trình tố tụng khá phức tạp. Thậm chí, nếu thắng kiện, việc thi hành án cũng có thể gặp phải khó khăn. Vì thế, người mua nhà cần ghi nhớ những lưu ý trên đây để bảo vệ quyền lợi của mình một cách tối đa.