Đào ngũ là một trong các hành vi vi phạm trong lực lượng Quân đội nhân dân. Vậy đào ngũ bị xử phạt thế nào? Quân nhân có hành vi đào ngũ thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Đào ngũ là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 402 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì đào ngũ được quy định là hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự của quân nhân trong thời chiến.
Tuy nhiên, hành vi đào ngũ được hiểu rộng ra trong thời bình là hành vi rời bỏ đơn vị đóng quân hoặc nghỉ phép nhưng không trở lại đơn vị đóng quân theo quy định với mục đích trốn tránh nghĩa vụ quân sự của mình.
Như vậy, đào ngũ được biết đến là một thuật ngữ được sử dụng trong lực lượng Quân đội nhân dân để chỉ những quân nhân có hành vi rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm mục đích trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ trong quân đội.
Đây được xem là một hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội bởi tham gia nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của công dân trong độ tuổi để thực hiện việc giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc.
Do đó, quân nhân có hành vi đào ngũ sẽ bị xử phạt nghiêm khắc theo pháp luật nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đào ngũ bị xử phạt thế nào?
Đào ngũ bị xử phạt thế nào?
Như đã phân tích trên thì đào ngũ là hành vi nguy hiểm cho xã hội bởi công dân đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình đối với đất nước.
Theo đó, tuỳ vào tính chất, mức độ cũng như hoàn cảnh vi phạm thì quân nhân sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành. Cụ thể việc xử phạt quân nhân có hành vi đào ngũ được quy định như sau:
Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với quân nhân phục vụ tại ngũ:
Quân nhân có hành vi đào ngũ được xem là người có hành vi vi phạm về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành.
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định số 120/2013/NĐ-CP thì quân nhân đào ngũ trong khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ trong thời bình nhưng chưa làm xảy ra hậu quả nghiêm trọng mà đơn vị nơi đóng quân cấp Trung đoàn đã gửi thông báo về việc đào ngũ và cắt quân số đến Uỷ ban nhân dân cấp xã và cơ quan quân sự ở cấp huyện thì bị xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền với mức tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng.
Bên cạnh việc bị xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền thì quân nhân vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này.
Theo quy định này thì người vi phạm buộc phải hoàn trả lại toàn bộ quân trang đã được cấp và phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định hiện hành.
Thứ hai, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với quân nhân có hành vi đào ngũ:
Về bản chất, đào ngũ là hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ quân sự của công dân đối với đất nước. Do đó, người vi phạm phải bị xử lý nghiêm với hình phạt nặng để có thể răn đe và giáo dục công dân một cách tốt nhất.
Người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đào ngũ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 402 Bộ luật hình sự năm hiện hành với các khung hình phạt như sau:
Khung 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với các hành vi sau:
Đào ngũ trong thời chiến;
Quân nhân đã bị xử phạt về hành vi này mà còn vi phạm;
Đào ngũ trong thời bình nhưng gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống xã hội.
Khung 2: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với các hành vi sau:
Quân nhân đào ngũ giữ vai trò là chỉ huy hoặc sĩ quan quân đội;
Quân nhân đào ngũ lôi kéo người khác phạm tội;
Đào ngũ nhưng mang theo hoặc vứt bỏ vũ khí, quân trang kỹ thuật hoặc tài liệu bí mật của quân sự;
Đào ngũ gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Khung 3: Phạt tù từ 05 năm đến 12 năm đối với các hành vi sau:
Đào ngũ trong khi đang chiến đấu;
Đào ngũ ở đơn vị đóng quân trong khu vực có chiến sự;
Đào ngũ khi đang thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn;
Đào ngũ trong khi đang có tình trạng khẩn cấp;
Đào ngũ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, quân nhân có hành vi đào ngũ thuộc một trong các trường hợp nêu trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đào ngũ với mức phạt cao nhất lên đến 12 năm tù giam.
Quân nhân bị truy cứu về tội đào ngũ là con liệt sĩ có được giảm nhẹ hình phạt không?
Quân nhân là người công tác và phục vụ trong lực lượng Quân đội nhân dân nên thường có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ và gìn giữ Tổ quốc.
Vậy trong trường hợp quân nhân là con của liệt sĩ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đào ngũ theo quy định tại Điều 402 Bộ luật hình sự thì có được xem xét giảm nhẹ hình phạt không?
Căn cứ theo quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì quân nhân là người có công với cách mạng hoặc là cha, là mẹ, là vợ hoặc chồng, là con của liệt sĩ thì sẽ được xem là một tình tiết giảm nhẹ khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, trường hợp người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đào ngũ là con của liệt sĩ thì sẽ được xem là tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, khi Toà án quân sự quyết định hình phạt thì có thể xem xét đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ cho người phạm tội và phải ghi rõ lý do giảm nhẹ cho bị cáo trong bản án.
Trên đây là giải đáp cho câu hỏi “Đào ngũ bị xử phạt thế nào?” mà chúng tôi cung cấp đến quý bạn đọc. Nếu còn vấn đề nào thắc mắc, hay gặp khó khăn trong các vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ với chúng tôi qua tổng đài: 1900.6199 để được hỗ trợ.