Trong quá trình nghỉ thai sản khi sinh con thì người lao động nữ sẽ không phải tham gia đóng BHXH. Tuy nhiên nếu lao động nữ đi làm trước khi hết nghỉ thai sản có phải đóng bảo hiểm không?
Thời gian nghỉ thai sản hiện nay được quy định thế nào?
Nghỉ thai sản là một chế độ và là quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc. Theo Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản đối với người lao động khi sinh con được quy định như sau:
Đối với người lao động nữ nghỉ sinh con thì thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản là 06 tháng (tính cả nghỉ trước và sau khi sinh con. Tuy nhiên, thời gian nghỉ trước khi sinh con tối đa không quá 02 tháng).
Lưu ý: Nếu lao động nữ sinh từ 02 con trở lên thì từ con thứ hai trở đi, lao động nữ sẽ được nghỉ thêm 01 tháng với mỗi con. Chẳng hạn như lao động nữ sinh đôi thì thời gian nghỉ chế độ thai sản khi sinh con là 07 tháng, nếu sinh 03 con thì thời gian nghỉ chế độ là 08 tháng…
Đối với lao động nam tham gia BHXH bắt buộc có vợ sinh con thì cũng được nghỉ chế độ thai sản trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con với thời gian cụ thể được quy định như sau:
Nếu vợ sinh thường thì nghỉ 05 ngày làm việc;
Nếu vợ sinh con phải sử dụng phương pháp phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi thì nghỉ 07 ngày làm việc;
Nếu vợ sinh đôi thì lao động nam được nghỉ 10 ngày làm việc. Lưu ý nếu vợ sinh từ 03 con trở lên thì cứ thêm mỗi con, lao động nam sẽ được nghỉ thêm 03 ngày làm việc. Chẳng hạn như vợ sinh 03 con thì lao động nam sẽ được nghỉ 13 ngày làm việc, vợ sinh 04 con thì được nghỉ 16 ngày làm việc…;
Nếu vợ sinh đôi trở lên phải sử dụng phương pháp phẫu thuật thì lao động nam được nghỉ 14 ngày làm việc.
Đi làm trước khi hết nghỉ thai sản có phải đóng bảo hiểm không?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 42 Quyết định số 595/QĐ-BHXH do Cơ quan BHXH Việt Nam ban hành năm 2017 thì “người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.”Theo đó, người lao động nghỉ chế độ thai sản khi sinh con từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì sẽ không tham gia BHXH cũng như các loại bảo hiểm hỗ trợ khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều lao động vẫn có nguyện vọng đi làm sớm khi chưa hết thời gian nghỉ thai sản vì đã ổn định sức khoẻ và mong muốn được sớm ổn định kinh tế.
Vậy đối với những lao động đi làm trước khi hết nghỉ thai sản có phải đóng các loại bảo hiểm quy định bắt buộc không?
Đi làm khi chưa nghỉ hết thai sản có đóng bảo hiểm không?
Tại điểm c khoản 2 Điều 12 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định: “Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật bảo hiểm xã hội nhưng người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.”
Theo quy định này thì trong trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ chế độ thai sản thì vẫn được hưởng chế độ thai sản nhưng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT.
Quy định này xuất phát từ nguyên tắc nếu người lao động nghỉ việc không quá 14 ngày làm việc trong tháng thì người sử dụng lao động và người lao động vẫn phải thực hiện đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.
Quyền lợi của lao động nữ khi đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản
Quyền lợi khi hưởng chế độ thai sản
Nghỉ chế độ thai sản là một quyền lợi đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, khi lao động nữ đi làm trước khi hết thời gian nghỉ chế độ thai sản vẫn được đảm bảo các quyền lợi của người lao động trong thời gian hưởng chế độ thai sản. Một số quyền lợi được kể đến như:
Vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời gian được nghỉ chế độ thai sản ngoài tiền lương của những ngày làm việc theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật BHXH năm 2014;
Được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Luật BHXH năm 2014 và khoản 1 Điều 12 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH với mức hưởng được xác định theo công thức sau:
Mức hưởng = 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản
Lưu ý: Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì được cộng dồn cho đủ 06 tháng trước khi nghỉ chế độ để làm căn cứ tính mức hưởng chế độ thai sản cho NLĐ.
Như vậy, khi người lao động nữ đi làm trước khi hết thời gian hưởng chế độ thai sản thì vẫn được đảm bảo tiếp tục được hưởng chế độ thai sản theo quy định và được hưởng trợ cấp theo mức tính trên.
Tuy nhiên, người lao động vẫn phải trích khoản tiền lương để đóng BHXH theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Trên đây những giải đáp của chúng tôi đối với câu hỏi “Đi làm trước khi hết nghỉ thai sản có phải đóng bảo hiểm không?”. Nếu có thắc mắc về quy định trên, vui lòng liên hệ ngay tổng đài: 1900.6199 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời và nhanh chóng.