Đi làm trước thời gian nghỉ thai sản theo quy định không phải là trường hợp hiếm gặp của người lao động hiện nay. Vậy muốn đi làm trước khi hết thời gian nghỉ sinh có được không?
Điều kiện gì để được đi làm trước thời gian nghỉ thai sản?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Lao động 2019, lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng, trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Tuy nhiên, nhiều lao động nữ có nhu cầu đi làm lại sớm trước thời gian nghỉ thai sản. Để giải quyết nhu cầu này của người lao động, khoản 4 Điều 139 Bộ luật Lao động và Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định cụ thể điều kiện cần đáp ứng để đi làm trước khi hết thời gian nghỉ sinh như sau:
- Có nhu cầu đi làm trước khi hết thời gian nghỉ sinh;
- Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng;
- Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý;
- Có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động.
Trong thời gian đi làm sớm hơn quy định này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản.
Muốn đi làm trước thời gian nghỉ thai sản được không? (Ảnh minh họa)
Đi làm trước thời gian nghỉ sinh, người lao động được hưởng quyền lợi gì?
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Điều 157 Bộ luật Lao động và Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản được hưởng những quyền lợi sau:
- Tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả;
- Trợ cấp thai sản cho đến khi hết thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, thời gian từ khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh vẫn được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội (Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH).
Ngoài ra, việc tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội của cả người lao động và người sử dụng lao động được tiến hành bình thường.
Nếu trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, người lao động được nâng lương thì được ghi theo mức tiền lương mới của người lao động từ thời điểm được nâng lương.
Như vậy, nếu lao động nữ đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản sẽ được hưởng lương những ngày đi làm, trợ cấp thai sản và phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho thời gian đi làm sớm.
>> Xem thêm: Đi làm trước thời hạn nghỉ sinh con, lao động nữ được gì?
Đi làm sớm có được hưởng tiền dưỡng sức sau sinh không?
Trả lời:
Về điều kiện nghỉ dướng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh, Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định cụ thể như sau:
Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày. Cụ thể:
- Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên.
- Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật.
- Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
Như vậy có thể thấy, khoản tiền dưỡng sức sau sinh chỉ áp dụng đối với lao động nữ đã nghỉ đủ 06 tháng, sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ. Mức hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Đối với trường hợp lao động nữ đi làm sớm sau sinh có nghĩa là nghỉ chưa hết thời gian hưởng chế độ thai sản, đã có giấy xác nhận đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe để đi làm sớm thì đồng nghĩa với việc sẽ không nhận được khoản tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh này.
Trên đây là nội dung cung cấp thông tin về các điều kiện và quyền lợi được hưởng khi lao động nữ đi làm trước khi hết thời gian nghỉ sinh. Nếu còn băn khoăn, độc giả vui lòng gửi câu hỏi tại đây. Các chuyên gia pháp lý của hieuluat.vn sẽ hỗ trợ bạn câu trả lời trong vòng 24 giờ làm việc, nếu câu hỏi đầy đủ thông tin.
Xem thêm: