hieuluat
Chia sẻ email

Người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam cần điều kiện, giấy tờ gì?

Những hình thức để người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Những hình thức để người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Những hình thức để người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Theo quy định tại Điều 159 Luật nhà ở hiện hành và pháp luật liên quan, chủ thể là tổ chức, cá nhân mang quốc tịch  nước ngoài có thể sở hữu nhà ở Việt Nam bao gồm các đối tượng:

  • Cá nhân, tổ chức mang quốc tịch nước ngoài đầu tư vốn cho các dự án xây dựng nhà ở tại Việt Nam;

  • Cá nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được cho phép nhập cảnh vào Việt Nam;

  • Các tổ chung được gọi chung là tổ chức nước ngoài bao gồm: doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam, ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam và quỹ đầu tư nước ngoài,

Những tổ chức, cá nhân nước ngoài khi đáp ứng đủ các điều kiện trên sẽ được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức, theo quy định tại khoản 2 Điều 159, Luật Nhà ở năm 2014, bao gồm:

- Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo Luật Nhà ở và pháp luật có liên quan;

- Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại, bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, có 2 hình thức để cá nhân, tổ chức nước ngoài có đủ điều kiện sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, có một vài hạn chế về khu vực sở hữu nhà ở được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo khoản 2 Điều 161 Luật Nhà ở thì:

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% tổng số căn hộ của một tòa nhà chung cư; trường hợp trên địa bàn có số dân tương đương một phường mà có nhiều tòa nhà chung cư để bán, cho thuê mua thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% số căn hộ của mỗi tòa chung cư và không quá 30% tổng số căn hộ của tất cả các tòa.

- Trường hợp trên địa bàn có số dân tương đương một phường mà có dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trong đó có nhà ở riêng lẻ để bán, cho thuê mua thì:

+ Được sở hữu không quá 10% tổng số nhà ở trong dự án nếu chỉ có 01 dự án có số nhà ở riêng lẻ dưới 2.500 căn;

+ Được sở hữu không quá 250 căn nếu chỉ có 01 dự án mà số nhà ở riêng lẻ tương đương 2.500 căn;

+ Được sở hữu không quá 10% số nhà ở của mỗi dự án nếu có từ 01 dự án trở lên mà tổng số nhà ở riêng lẻ trong các dự án này ít hơn hoặc bằng 2.500 căn.

Người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam cần đáp ứng những điều kiện gì?

Điều kiện để cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam được quy định cụ thể tại Điều 160 Luật Nhà ở 2014 và Điều 74 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, mỗi đối tượng sẽ có những điều kiện khác nhau để sở hữu nhà ở. Cụ thể:

- Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án: Phải có Giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định của Luật Nhà ở và pháp luật có liên quan.

- Đối với tổ chức nước ngoài: Phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động tại Việt Nam còn hiệu lực tại thời điểm ký kết các giao dịch về nhà ở.

- Đối với cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam: Phải được phép nhập cảnh, hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.

Bên cạnh đó, để chứng minh các cá nhân, tổ chức mang quốc tịch nước ngoài có đầy đủ điều kiện để sở hữu nhà ở tại Việt Nam, các cá nhân, tổ chức cần chuẩn bị các giấy tờ theo quy định tại Điều 74, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ để được cho phép mua nhà, bao gồm:

  • Đối với cá nhân có quốc tịch nước ngoài cần chuẩn bị hộ chiếu được cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh của Việt Nam xác nhận, đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh và đang còn giá trị về thời hạn.

  • Ngoài ra các cá nhân không thuộc các đối tượng miễn trừ ngoại giao và được hưởng quyền ưu đãi theo quy định tại Pháp lệnh số 25-L/CTN của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;

  • Đối với tổ chức có quốc tịch nước ngoài cần chuẩn bị Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc các giấy tờ khác được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước Việt Nam cho phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và tại thời điểm các tổ chức ký kết các giao dịch sở hữu nhà ở giấy tờ phải đang còn hiệu lực.

Người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam cần những giấy tờ gì?

Người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam cần những giấy tờ gì?

Người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam cần những giấy tờ gì?

Ngoài những giấy tờ để chứng minh cá nhân, tổ chức mang quốc tịch nước ngoài như quy định trên, khi có nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cá nhân, tổ chức cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau theo quy định của pháp luật hiện hành, bao gồm:

  • Đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

  • Bản sao giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đủ điều kiện mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định tại Luật Nhà ở 2014;

  • Bản sao chứng thực hoặc công chứng hợp đồng mua, bán;

  • Bản sao Quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định phê duyệt đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư;

  • Bản sao Quyết định giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền;

  • Bản sao Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án (Trường hợp không có bản sao quyết định phê duyệt quy hoạch này, thì phải có bản sao văn bản thỏa thuận tổng thể mặt bằng của khu đất có nhà ở, công trình xây dựng);

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

  • Bản sao chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc Văn bản của cơ quan thuế chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính khi được giao đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người khác để xây dựng nhà ở để bán hoặc kinh doanh bất động sản (kèm theo bản sao chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính của bên mua);

  • Sơ đồ nhà, đất và bản vẽ tổng mặt bằng hoàn công hoặc bản vẽ thiết kế mặt bằng phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình xây dựng mà không đo vẽ lại; trường hợp nhà chung cư thì có bản vẽ mặt bằng xây dựng ngôi nhà chung cư, bản vẽ mặt bằng của tầng nhà có căn hộ, trường hợp bản vẽ mặt bằng của tầng nhà không thể hiện rõ kích thước của căn hộ thì phải có bản vẽ mặt bằng của căn hộ đó.

Trong một số trường hợp, cá nhân, tổ chức mang quốc tịch nước ngoài khi phát sinh giao dịch về nhà ở tại Việt Nam không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận, theo quy định tại khoản 2, Điều 118, Luật Nhà ở số 2014, bao gồm:

  • Mua bán, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai;

  • Tổ chức thực hiện tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương;

  • Mua bán, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở để phục vụ tái định cư không thuộc sở hữu nhà nước; bán nhà ở quy định tại khoản 4 Điều 62 của Luật này;

  • Cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở;

  • Nhận thừa kế nhà ở;

  • Chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại được xây dựng trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm cả trường hợp đã nhận bàn giao nhà ở từ chủ đầu tư nhưng chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.

Thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài

Sau khi sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cá nhân, tổ chức người nước ngoài cũng có những giới hạn nhất định đối với thời hạn được sở hữu nhà căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 160, Luật Nhà ở năm 2014, bao gồm:

  • Đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong Giấy chứng nhận.

Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam;

  • Đối với tổ chức nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho tổ chức đó, bao gồm cả thời gian được gia hạn thêm; thời hạn sở hữu nhà ở được tính từ ngày tổ chức được cấp Giấy chứng nhận và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận này;

  • Trước khi hết hạn sở hữu nhà ở theo quy định của Luật này, chủ sở hữu có thể tặng cho hoặc bán nhà ở này cho các đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; nếu quá thời hạn được sở hữu nhà ở mà chủ sở hữu không thực hiện bán, tặng cho thì nhà ở đó thuộc sở hữu nhà nước.

Trên đây là những thông tin về vấn đề người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam cần điều kiện, giấy tờ gì mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc về các quy định của luật nhà ở, vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X