hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 12/04/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp chi tiết từ A-Z

Có tiền trợ cấp thất nghiệp, người lao động sẽ bớt đi gánh nặng do mất việc làm, từ đó có động lực vươn lên và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nếu không đáp ứng được điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động sẽ không được hỗ trợ Quỹ bảo hiểm tiến hành chi trả.

Mục lục bài viết
  • Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp mới nhất
  • Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp lần 2 như thế nào?
  • Có được nhận bảo hiểm thất nghiệp một lần? Điều kiện thế nào?
  • Giải đáp thắc mắc về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
  • Thử việc có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?

Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp mới nhất

Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp nếu đáp ứng đủ bốn yêu cầu được liệt kê tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 thì sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp:

- Đã chấm dứt hợp đồng với đơn vị sử dụng lao động;

- Đã có đủ thời gian tích lũy tham gia bảo hiểm thất nghiệp:

  • Trường hợp người lao động ký hợp đồng xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn: cần đóng đủ từ 12 tháng bảo hiểm trong vòng 24 tháng trước khi kết thúc hợp đồng;
  • Trường hợp người lao động ký hợp đồng mùa vụ hoặc hợp đồng theo công việc từ 03 – dưới 12 tháng: cần đóng đủ từ 12 tháng bảo hiểm trong vòng 36 tháng trước khi kết thúc hợp đồng.

- Đã mang hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tới nộp tại trung tâm dịch vụ việc làm đúng hạn;

- Sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động không tìm được việc làm mới (trừ trường hợp: chết, đi định cư, đi học từ 12 tháng trở lên, đi xuất khẩu lao động, tham gia nghĩa vụ quân sự…).

Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động là gì?
Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động là gì?

Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp lần 2 như thế nào?

Điều kiện để người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp lần 2 cũng tương tự như hưởng lần đầu, nghĩa là người lao động cần đáp ứng được bốn quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013:

- Đã chấm dứt hợp đồng với đơn vị sử dụng lao động;

- Đã tích lũy từ đủ 12 tháng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 24 hoặc 36 tháng (tùy từng trường hợp) trước khi kết thúc hợp đồng với bên sử dụng lao động;

- Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động đã được nộp đúng hạn tại trung tâm dịch vụ việc làm;

- Người lao động không tìm được việc mới sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ (trừ trường hợp: người lao động chết, đi nghĩa vụ quân sự, bị tạm giam, đi định cư hoặc đi học từ 12 tháng trở lên…).

Song khi xét điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp lần 2, cần chú ý:

Theo Điều 45 Luật Việc làm, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp xét hưởng chế độ là tổng thời gian mà người lao động đã tham gia bảo hiểm (liên tục hoặc ngắt quãng) tính từ khi bắt đầu đóng đến khi người đó chấm dứt hợp đồng mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Điều đó có nghĩa là, sau khi chấm dứt lĩnh trợ cấp thất nghiệp lần đầu thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho lần hưởng trợ cấp tiếp theo sẽ được tính lại, trừ những trường hợp được bảo lưu theo Điều 9 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH:

- Người lao động không nhận Quyết định hưởng trợ cấp;

- Người lao động không nhận tiền trợ cấp;

- Người lao động có những tháng lẻ chưa sử dụng để hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Người lao động đang hưởng trợ cấp mà bị dừng nhận trợ cấp do:

  • Tìm được việc làm mới;
  • Tham gia nghĩa vụ quân sự, công an;
  • Đi học từ 12 tháng trở lên;
  • Mất tích;
  • Bị đưa vào trường giáo dưỡng hoặc cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc;
  • Bị tạm giam, phạt tù.

Ví dụ: Chị T có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp là 40 tháng, được hưởng trợ cấp 03 tháng và bảo lưu 04 tháng lẻ.

Thời gian được nhận trợ cấp tính từ ngày 02/3/2020 đến ngày 01/6/2020. Tuy nhiên, ngày 25/4/2020 chị T đi du học Thạc sĩ 2 năm nên không được hưởng trợ cấp thất nghiệp cho tháng cuối cùng nữa, đồng thời được bảo lưu thời gian đóng là 12 tháng.

Như vậy, tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu của chị T là 12 tháng + 4 tháng = 16 tháng.

Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp lần 2 có giống lần đầu?
Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp lần 2 có giống lần đầu?

Có được nhận bảo hiểm thất nghiệp một lần? Điều kiện thế nào?

Có thể khẳng định, người lao động hiện nay không thể nhận bảo hiểm thất nghiệp một lần.

Trước đây, theo tại khoản 2 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, người lao động đang nhận trợ cấp mà có việc làm hoặc phải đi tham gia nghĩa vụ quân sự thì sẽ được lĩnh trợ cấp một lần với giá trị bằng tổng số tiền trợ cấp của những tháng còn lại.

Sau khi Luật này hết hiệu lực, việc chi trả trợ cấp đã được quy định lại theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP như sau:

- Tháng đầu tiên: quỹ bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp cho người lao động trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày người đó nhận được Quyết định hưởng trợ cấp.

- Từ các tháng trợ cấp tiếp theo: Tiền sẽ được chi trả trong vòng 05 ngày làm việc tính từ ngày thứ 07 của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp đó (trừ trường hợp người lao động bị cơ quan bảo hiểm cho tạm dừng hoặc chấm dứt lĩnh trợ cấp thất nghiệp).

Đồng thời theo khoản 1 Điều 52 Luật Việc làm, khi hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động có trách nhiệm thông báo tìm việc làm hằng tháng. Nếu không thực hiện, người lao động không được nhận trợ cấp của tháng đó (trừ một vài trường hợp đặc biệt).

Như vậy, trợ cấp thất nghiệp hiện nay chỉ có thể chi trả từng tháng chứ không cho phép người lao động lĩnh hết một lần nữa.

Giải đáp thắc mắc về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Thử việc có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?

Theo điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP), người lao động đang nhận trợ cấp mà có việc làm thì sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tình trạng có việc làm được xác định là:

- Đã ký hợp đồng với thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên;

- Có quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng (áp dụng cho những người không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc);

- Thành lập và trở thành chủ hộ kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp (Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp);

- Người lao động thông báo cho trung tâm dịch vụ việc làm biết việc mình đã có việc làm.

Có thể thấy, người lao động thử việc không thuộc đối tượng bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, do vậy trong khoảng thời gian này người lao động vẫn được hưởng tiền hỗ trợ.

Người lao động đang thử việc có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?

Người lao động đang thử việc có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?

Nghỉ ngang có được nhận bảo hiểm thất nghiệp không?

Nghỉ ngang là một trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, trong đó người lao động tự ý nghỉ việc mà không báo trước hoặc không đáp ứng được thời gian báo trước theo Điều 35 Bộ Luật lao động 2019, cụ thể:

- Người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn: cần báo trước ít nhất 45 ngày;

- Người lao động làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn (12-36 tháng): cần báo trước ít nhất 30 ngày;

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn (dưới 12 tháng): cần báo trước ít nhất 03 ngày làm việc.

Theo Điều 49 Luật Việc làm 2013, đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định pháp luật đã vi phạm điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Do vậy, người lao động nghỉ ngang sẽ không được nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp.

Nghỉ không lương có được lĩnh bảo hiểm thất nghiệp không?

Các điều kiện xem xét hưởng trợ cấp thất nghiệp nêu tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 chỉ áp dụng cho người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Theo điểm d khoản 2 Điều 12 Nghị định 28/2015 và khoản 4 Điều 1 Nghị định 61/2020, người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp là khi tại tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng hoặc tháng chấm dứt hợp đồng mà người đó:

- Nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên;

- Được cơ quan bảo hiểm xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.

Như vậy, người lao động nghỉ không lương có thể được lĩnh bảo hiểm thất nghiệp nếu đáp ứng được bốn tiêu chí cần có tại Điều 49 Luật Việc làm 2013.

Nghỉ việc 1 năm có được nhận bảo hiểm thất nghiệp không?

Căn cứ khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015, người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp phải tiến hành nộp hồ sơ cho Trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng tính từ ngày chấm dứt hợp đồng.

Khi đã để quá thời hạn này, đương nhiên hồ sơ sẽ không được tiếp nhận và giải quyết. Như vậy, người lao động nghỉ việc 1 năm sẽ không được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.

Đóng bảo hiểm thất nghiệp 11 tháng có được nhận trợ cấp không?

Một trong những điều kiện để người lao động được lĩnh tiền trợ cấp thất nghiệp nêu tại Điều 49 Luật Việc làm là người đó phải tích lũy đủ từ 12 tháng trích đóng bảo hiểm trong thời gian 24 hoặc 36 tháng (tùy từng trường hợp) trước khi chấm dứt hợp đồng.

Khi quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động mới dừng tháng thứ 11 thì không được phép làm tròn, như vậy đóng bảo hiểm 11 tháng sẽ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đóng bảo hiểm thất nghiệp 11 tháng có được nhận trợ cấp thất nghiệp không?
Đóng bảo hiểm thất nghiệp 11 tháng có được nhận trợ cấp thất nghiệp không?

Đóng bảo hiểm ngắt quãng có được nhận bảo hiểm thất nghiệp không?

Khoản 2 Điều 49 Luật Việc làm 2013 đã chỉ rõ, người lao động phải có từ 12 tháng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong vòng 24 hoặc 36 tháng (tùy từng trường hợp) trước chấm dứt hợp đồng thì mới đạt một trong bốn tiêu chí để nhận trợ cấp thất nghiệp.

Cũng tại khoản 1 Điều 45 Luật này, thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp có thể hiểu là toàn bộ số tháng mà người lao động trích tiền lương để đóng bảo hiểm, không phân biệt là đóng liên tục hay không liên tục.

Như vậy, đóng bảo hiểm ngắt quãng vẫn có thể nhận bảo hiểm thất nghiệp nếu đáp ứng được yêu cầu tại Điều 49 Luật Việc làm.

Ví dụ: Anh X làm việc chính thức tại công ty A 06 tháng (từ 01/7 – 31/12/2021), sau đó anh nghỉ việc rồi chuyển sang ký hợp đồng với công ty B từ 01/02/2022-31/01/2023).

Khi làm việc tại hai công ty, anh X đều được đóng bảo hiểm đầy đủ nên tổng thời gian tham gia bảo hiểm dùng để xét hưởng trợ cấp thất nghiệp của anh X là 18 tháng.

Nghỉ việc quá 3 tháng có được nhận bảo hiểm thất nghiệp không?

Nội dung khoản 1 Điều 17 Nghị định 28/2015 đã chỉ rõ, người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp phải tiến hành nộp hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng tính từ ngày chấm dứt hợp đồng.

Khi đã để quá thời hạn này, đương nhiên hồ sơ sẽ không được tiếp nhận và giải quyết nữa. Do vậy, người lao động cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, tiến hành các thủ tục cần thiết để được chốt sổ bảo hiểm (nếu cần) và gửi giấy tờ đề nghị hưởng trợ cấp đến trung tâm dịch vụ việc làm.

Chưa được chốt sổ bảo hiểm thì có được nhận trợ cấp thất nghiệp không?

Người lao động sẽ không được lĩnh trợ cấp thất nghiệp nếu không được chốt sổ bảo hiểm kịp thời.

Theo nội dung Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP và khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP, sổ bảo hiểm xã hội là một trong những tài liệu bắt buộc khi người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu thiếu giấy tờ này, hồ sơ của người lao động sẽ bị từ chối giải quyết và chi trả.

Mặt khác, khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm yêu cầu người lao động phải nộp hồ sơ nói trên trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng cho trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thành lập. Khi sổ bảo hiểm của người lao động bị chốt muộn, người lao động có thể để lỡ thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị nhận trợ cấp thất nghiệp.

Như vậy, nếu đến thời hạn nộp hồ sơ nói trên mà người lao động chưa được chốt sổ bảo hiểm thì sẽ không được chi trả trợ cấp.

Chưa chốt sổ bảo hiểm sẽ khiến người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Chưa chốt sổ bảo hiểm sẽ khiến người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Sau khi nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp mà tìm được việc có nhận trợ cấp được không?

Trợ cấp thất nghiệp là khoản tài chính mà người lao động được trung tâm dịch vụ việc làm chi trả hằng tháng nhằm giúp người đó trang trải sinh hoạt phí, vượt qua thời kỳ khó khăn eo hẹp do chưa có việc làm.

Do vậy, nếu người lao động tìm được công việc mới sau khi nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp thì quá trình nhận trợ cấp sẽ bị dừng lại. Theo điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP), tình trạng có việc làm được xác định là:

- Người lao động đã ký hợp đồng với thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên;

- Người lao động có quyết định bổ nhiệm, tuyển dụng (áp dụng cho những người không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc);

- Người lao động thành lập và trở thành chủ hộ kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp (Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp);

- Người lao động thông báo đã tìm được việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm.

Tóm lại, nếu người lao động thuộc một trong các trường hợp tìm được công việc mới sau khi nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp nêu tại điều khoản nêu trên thì sẽ không được chi trả trợ cấp thất nghiệp nữa.

Trên đây là nội dung giải đáp xung quanh nội dung điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động hiện nay. Nếu còn câu hỏi khác, xin vui lòng liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006199 để được tư vấn thêm.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X