hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 30/06/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Ở nhờ nhà người thân, được nhập khẩu trong trường hợp nào?

Một trong những cách phổ biến để có hộ khẩu thành phố đó chính là nhập khẩu vào nhà họ hàng, người thân… Sắp tới, sẽ có sự thay đổi về các trường hợp được nhập khẩu vào nhà người thân.

Câu hỏi: Con gái tôi năm nay vào lớp 10. Gia đình tôi hiện ở Hưng Yên. Tôi có anh trai ruột đang sinh sống tại Hà Nội. Tôi dự định năm học này sẽ cho con gái lên ở với bác tại Hà Nội để cháu có điều kiện học và thi đại học sau này. Cho tôi hỏi, con gái tôi có thể nhập khẩu vào nhà bác không, thủ tục thế nào? (Thu Hồng – Kim Động, Hưng Yên)

Nhập khẩu vào nhà người thân trước đây cần điều kiện gì?

Tại Điều 20, Luật Cư trú 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định các trường hợp dưới đây được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

- Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột;

- Người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

- Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

- Người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại;

Hồ sơ nhập khẩu về nhà người thân tại thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại khoản 2, Điều 21, Luật Cư trú 2006, hướng dẫn tại Điều 7, Thông tư 52/2010/TT-BCA, bao gồm:

1. Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;

2. Giấy chuyển hộ khẩu;

3. Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

4. Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ

5. Giấy tờ chứng minh là người chưa thành niên, người độc thân, người cao tuổi, người khuyết tật….

điều kiện nhập khẩu vào nhà người thân 2021
Điều kiện nhập khẩu vào nhà người thân thay đổi thế nào? Ảnh minh hoạ.

Điều kiện nhập khẩu vào nhà người thân hiện thay đổi thế nào?

Tại khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020, nếu được chủ hộ/chủ sở hữu hợp pháp đồng ý nhập khẩu thì những trường hợp này đều được nhập khẩu. (Điều kiện này áp dụng với tất cả các tỉnh, thành trên cả nước)

- Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

- Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;

- Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.

So với quy định trước đây, Luật Cư trú 2020 đã bổ sung thêm các trường hợp được nhập khẩu vào nhà người thân, cụ thể:

- Người cao tuổi về ở với cháu ruột

- Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức về ở với ông, bà nội ngoại

- Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về ở với người thân

Như vậy, con gái của bạn thuộc trường hợp “Người chưa thành niên được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về ở với người thân”. Bạn có thể chuẩn bị giấy tờ, hồ sợ để nhập khẩu cho con vào nhà bác ruột nhằm thuận lợi hơn cho việc học.

Hồ sơ nhập khẩu

Hồ sơ nhập khẩu vào nhà người thân hiện nay đã đơn giản hơn và được quy định tại khoản 2, Điều 21, Luật Cư trú 2020 bao gồm:

1. Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

2. Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;

3. Giấy tờ, tài liệu chứng minh là người cao tuổi, người bị khuyết tật nặng, người chưa thành niên…

Sau khi hoàn thiện hồ sơ, bạn có thể nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú tại nơi định nhập khẩu cho con.

Thời gian giải quyết

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú.

Trường hợp hồ sơ bị từ chối đăng ký sẽ được trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trên đây là giải đáp về Ở nhờ nhà người thân, được nhập khẩu trong trường hợp nào? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Từ 01/7/2021, điều kiện nhập khẩu Hà Nội có dễ hơn trước?
>> Nhập khẩu tại TP.HCM khi đã có nhà riêng, thủ tục thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X