hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 18/07/2019
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Điều kiện trở thành luật sư ở Việt Nam

Kỳ thi THPT quốc gia vừa mới khép lại, nhiều thí sinh vẫn đang loay hoay với việc thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Giấc mơ trở thành luật sư khiến nhiều thí sinh đăng ký vào các khoa luật hay trường luật nhưng lại chưa nắm rõ điều kiện trở thành luật sư ở Việt Nam.

Hiện nay, những điều kiện chi tiết nhất để trở thành luật sư được quy định tại Luật Luật sư 2006 và sửa đổi năm 2012. Theo đó, con đường trở thành luật sư cần có các điều kiện sau:

Có bằng cử nhân luật

Một trong những điều kiện đầu tiên để trở thành luật sư là có bằng cử nhân luật. Nghĩa là phải tốt nghiệp đại học luật hoặc khoa luật của các trường đại học. Thời gian lấy bằng cử nhân luật ở Việt Nam thông thường là 4 năm.

Đã được đào tạo nghề luật sư

Đây là tiêu chuẩn, điều kiện thứ 2 trên con đường trở thành luật sư ở Việt Nam.

Sau khi có bằng cử nhân luật, sẽ được đăng ký tham dự khóa đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư. Thời gian đào tạo nghề luật sư hiện nay là 12 tháng (trước đây chỉ cần 6 tháng).

Cử nhân luật sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư được cơ sở đào tạo nghề luật sư cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư.

Theo Nghị định 123/2013/NĐ-CP, cơ sở đào tạo nghề luật sư bao gồm Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp và cơ sở đào tạo nghề luật sư thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Tuy nhiên, cá biệt có một số trường hợp sẽ được miễn đào tạo nghề luật sư, gồm:

- Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên;

- Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật;

- Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật;

- Đã là thẩm tra viên chính ngành Toà án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

Điều kiện trở thành luật sư ở Việt Nam

Điều kiện trở thành luật sư ở Việt Nam

Đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư, người muốn trở thành luật sư phải tiếp tục tham gia tập sự hành nghề luật sư.

Thời gian tập sự hành nghề luật sư là 12 tháng (trước đây là 18 tháng) được tính từ ngày đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư.

Tổ chức hành nghề luật sư phân công luật sư hướng dẫn người tập sự hành nghề luật sư. Luật sư hướng dẫn tập sự phải là người có ít nhất 3 năm kinh nghiệm hành nghề luật sư và không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.

Người tập sự hành nghề luật sư đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư mà mình tập sự và được Đoàn luật sư cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư.

Hiện nay, cũng có một số trường hợp được pháp luật cho phép miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư, bao gồm:

- Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra Viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn tập sự hành nghề luật sư;

- Người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật được giảm 2/3 thời gian tập sự hành nghề luật sư;

- Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư.

Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư

Người tập sự đã hoàn thành thời gian tập sự hành nghề luật sư được  tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư do Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư tiến hành; thành phần Hội đồng gồm Chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam làm Chủ tịch, đại điện Ban chủ nhiệm một số Đoàn luật sư và một số luật sư là thành viên. Danh sách thành viên Hội đồng do Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam quyết định.

Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư được Hội đồng kiểm tra cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Người được miễn tập sự hành nghề luật thì không phải tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, cấp thẻ hành nghề luật sư

Sau khi đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, người có nhu cầu trở thành luật sư phải nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;

- Phiếu lý lịch tư pháp;

- Giấy chứng nhận sức khỏe;

- Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật;

- Bản sao Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Đối với người được miễn tập sự hành nghề luật sư thì hồ sơ không cần có bản sao Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Tuy nhiên, cần có thêm bản sao giấy tờ chứng minh là người được miễn tập sự hành nghề luật sư và gửi Sở Tư pháp nơi người đó thường trú.

Sau khi được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sự thì luật sư được lựa chọn tổ chức hành nghề luật sư để hành nghề.

Xem thêm:

Nhiều trường hợp được miễn đào tạo nghề luật sư

5 trường hợp luật sư được miễn tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ

hieuluat.vn

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X