hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 10/10/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Từ vụ đàn chó về Cà Mau bị tiêu hủy: Động vật có lây nhiễm Covid sang người?

Nước ta đang quy định thế nào về vấn đề tiêu hủy động vật nếu chủ nhiễm Covid-19? Liệu vật nuôi có làm lây truyền dịch bệnh hay không? Đây chắc hẳn là vấn đề mà rất nhiều người quan tâm những ngày gần đây.

Câu hỏi: Chào Vanbanluat. Mới đây, việc đàn chó theo hai vợ chồng về Cà Mau bị tiêu hủy khiến tôi rất bức xúc. Tuy nhiên, về góc độ phòng, tránh dịch, liệu chó, mèo có lây Covid-19 sang người và ngược lại hay không? Hiện nay có văn bản nào quy định về việc phải tiêu hủy chó mèo nếu chủ nhiễm bệnh không?

Chào bạn. Về vấn đề này, chúng tôi thông tin đến bạn như sau:

Theo Quyết định 4156 của Bộ Y tế ban hành ngày 28/8/2021 về tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà có một số thông tin liên quan đến Covid-19 và vật nuôi như sau:

• COVID-19 có thể lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người qua các đường lây:

- Qua tiếp xúc:

+ Tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm như: bắt tay, ôm hôn.

+ Tiếp xúc gián tiếp: chạm tay vào các bề mặt nhiễm vi rút rồi đưa lên miệng, mắt, mũi của mình.

- Qua giọt bắn: khi tiếp xúc gần (dưới 2 mét) với người nhiễm nói, ho, hắt hơi tạo ra các giọt có chứa vi rút bắn vào mắt, mũi, miệng hoặc hít phải các giọt này.

- Qua không khí: Trong môi trường kín, thông khí kém, khi thực hiện chăm sóc y tế có tạo những hạt nhỏ (aerosol) chứa vi rút lan theo không khí và có thể gây nhiễm nếu hít phải.

Với việc phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 trong gia đình, Công văn này khuyến cáo:

Đối với gia đình có vật nuôi

• Người nhiễm không nên tiếp xúc với vật nuôi vì đã có bằng chứng cho thấy vi rút lây lan sang động vật.

• Người cùng nhà với người không nhiễm cũng không nên tiếp xúc gần với vật nuôi.

• Không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình.

Báo Sức khỏe và Đời sống - cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế cho biết: Mặc dù có nhiều động vật, đặc biệt là chó, mèo được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nhưng là rất nhỏ khi so sánh với số người đến nay được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2. Do đó, động vật nói chung và chó, mèo nói riêng không dễ dàng nhiễm SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, cũng theo báo Sức khỏe và Đời sống, virut dễ dàng bám, dính và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định trên các bề mặt như da, lông, cơ thể của thú cưng. Khi đó, chó mèo trở thành "vật mang" di động với rủi ro và nguy cơ có thể lây dính virut cho người khác thông qua sự tiếp xúc gần như vuốt ve, sờ, nắm phải virut.

dng vat co lay nhiem covid-19 sang nguoi
Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo F0 không tiếp xúc với vật nuôi (Ảnh minh họa)

Pháp luật quy định gì về xử lý chó, mèo đi theo F0?

Khoản 3 Điều 2 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định:

3. Trung gian truyền bệnh là côn trùng, động vật, môi trường, thực phẩm và các vật khác mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm và có khả năng truyền bệnh.

Cũng theo Điều 54 của Luật này:

2. Trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, Trưởng Ban chỉ đạo có quyền:

...

g) Tiêu hủy động vật, thực phẩm và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người;

Tuy nhiên, tiêu hủy động vật có nguy cơ làm lây bệnh sang người chỉ áp dụng khi quốc gia đã ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

Hiện nay, theo Quyết định 447/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam mới công bố dịch bệnh chứ chưa ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch. Vì thế những quy định tại Điều 54 không áp dụng được đối với trường hợp tiêu hủy chó, mèo ở Cà Mau.

Ngoài ra, pháp luật hiện hành chưa có quy định nào liên quan đến việc xử lý chó, mèo đi theo bệnh nhân dương tính với Covid-19.

Vì thế, việc xử lý chó, mèo đi theo F0 vào khu cách ly, điều trị bệnh cũng có thể là một vấn đề gây khó khăn đối với lực lượng phòng, chống dịch.

Trên đây là một số quy định về việc liệu động vật có lây nhiễm Covid-19 sang người. Nếu còn vướng mắc, hãy để lại câu hỏi để chúng tôi hỗ trợ bạn.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X