hieuluat
Chia sẻ email

Đốt pháo trái phép ngày Tết bị xử phạt như thế nào?

Đốt pháo trái phép bị xử phạt thế nào theo quy định 2024? Pháo nào được phép mua? Mua pháo nhưng chưa đốt có bị xử phạt không? Bị xử lý hành chính hay hình sự? Cùng giải đáp trong bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Việt Nam cấm đốt pháo từ năm nào?
  • Đốt pháo trái phép bị xử phạt thế nào theo quy định mới?
  • Đốt pháo trái phép có bị xử lý hình sự không?
  • Dịp tết, người dân được đốt loại pháo nào?
  • Mua pháo nhưng chưa đốt bị xử phạt thế nào?

Việt Nam cấm đốt pháo từ năm nào?

Câu hỏi: Cho tôi hỏi, chính xác thời điểm Việt Nam cấm đốt pháo là từ năm nào?

Văn bản pháp luật nào quy định về vấn đề này? – M.T (Hà Nội)

Việc cấm đốt pháo từ thời điểm nào, đốt pháo nào là hợp pháp, đốt pháo trái phép bị xử phạt thế nào là những câu hỏi được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán.

Hiện tại, nước ta cho phép được đốt pháo hoa nhưng phải được kiểm soát về số lượng, loại pháo được đốt.

Ngược lại khoảng thời gian trước đây, việc đốt pháo là bị cấm hoàn toàn, không phân biệt loại pháo, số lượng.

Cụ thể, ngày 08/8/1994, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký Chỉ thị số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Đây chính là văn bản pháp luật đầu tiên quy định về vấn đề này.

Theo Chỉ thị này, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Tuất (1994) đã có 728 vụ tai nạn do pháo gây ra, làm chết 71 người, làm bị thương 765 người và tiêu tốn hàng 20-30 tỷ đồng. Do đó, Chỉ thị nêu rõ:

1- Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa).
...

b) Nghiêm cấm việc nhập khẩu các loại pháo, các loại thuốc pháo và nguyên liệu làm pháo từ nước ngoài vào Việt Nam. Mọi loại pháo nước ngoài đang được buôn bán trên thị trường Việt Nam đều bị tịch thu và tiêu huỷ và thu hồi giấy phép kinh doanh, nếu gây hậu quả nghiêm trọng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

c) Chỉ cấp giấy phép sản xuất, buôn bán các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn, an ninh trật tự, quy định tại Nghị định số 17-CP ngày 23-12-1992 của Chính phủ về quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt, và những quy tắc về phòng cháy, nổ theo quy định của Bộ Nội vụ. Sau ngày 1 tháng 1 năm 1995, những tổ chức, cá nhân không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề đều phải ngừng hoạt động.
...

Như vậy, có thể khẳng định, Việt Nam bắt đầu cấm đốt pháo nổ từ ngày 01/01/1995. Tính đến nay, đã được khoảng 26 năm.

Việc sản xuất, buôn bán, sử dụng pháo hoa chỉ được phép thực hiện khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, cho phép.

Đốt pháo trái phép bị xử phạt thế nào sẽ được chúng tôi giải đáp chi tiết trong các phần dưới đây.

Năm 2023 đốt pháo trái phép bị xử phạt thế nào?Năm 2024 đốt pháo trái phép bị xử phạt thế nào?


Đốt pháo trái phép bị xử phạt thế nào theo quy định mới?

Câu hỏi: Ở quê tôi, vào đêm giao thừa, nhiều thanh niên trong xóm lại rủ nhau đốt pháo “trộm”.

Chính quyền rất khó phát hiện để xử lý vì không biết chính xác ai đốt, chỉ nghe thấy tiếng nổ ở gần khu vực đình làng.

Nếu trường hợp bị phát hiện, những thanh niên này sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Như đã trình bày ở trên, việc sản xuất, buôn bán, sử dụng pháo nổ là bị cấm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam từ năm 1995.

Thậm chí, Việt Nam không cho phép được nhập khẩu các nguyên liệu làm pháo, pháo các loại, các loại thuốc pháo từ nước ngoài từ thời điểm cấm đốt pháo nổ.

Điều đó có nghĩa rằng, việc đốt pháo nổ của các thanh niên trong khu vực bạn đang sinh sống là trái quy định pháp luật và bị xử phạt.

Thậm chí nếu việc đốt pháo hoa mà không phải có nguồn gốc từ cơ quan, tổ chức được phép bán hoặc mua lậu từ nước ngoài cũng là trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính.

Hình phạt được áp dụng có thể là xử phạt hành chính hoặc truy cứu hình sự, tùy tính chất nghiêm trọng của vụ việc.

Mức phạt hành chính cao nhất có thể lên tới 10 triệu đồng.

Cụ thể, điểm i, khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi đốt pháo trái phép như sau:

Điều 11. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

...

i) Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;

...

Căn cứ nêu trên đã rất rõ ràng, người đốt pháo trái phép sẽ bị xử hành chính từ 5 - 10 triệu đồng.

Mức phạt này đã tăng lên gấp 5 lần so với quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP là 1 -2 triệu (quy định đã hết hiệu lực).

Theo đó, trong trường hợp thông thường, người vi phạm sẽ bị xử phạt với mức 7,5 triệu đồng.

Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức phạt thấp nhất có thể là 05 triệu đồng và có nhiều tình tiết tăng nặng thì có thể lên tối đa là 10 triệu đồng.

Nói cách khác, câu hỏi đốt pháo trái phép bị xử phạt thế nào được chúng tôi giải đáp như trên.

Cụ thể, người đốt/sử dụng các loại pháo trái phép bị xử phạt hành chính với mức tối đa là 10 triệu đồng, thậm chí là bị xử lý hình sự.

Việc xử lý hình sự được chúng tôi trình bày trong phần dưới đây.

Đốt pháo trái phép bị xử phạt thế nào?

Câu hỏi: Tôi được biết đốt pháo trái phép đêm giao thừa có thể bị xử phạt hành chính.

Tuy nhiên, có khi nào người đốt pháo bị xử lý hình sự và phải đi tù hay không? – T.M (Nghệ An)

Như chúng tôi đã trình bày ở trên, đáp án cho câu hỏi đốt pháo trái phép bị xử phạt thế nào là trách nhiệm pháp lý hành chính và trách nhiệm pháp lý hình sự.

Trong đó, truy cứu hình sự là biện pháp nghiêm khắc nhất mà Nhà nước áp dụng đối với cá nhân có hành vi sử dụng/đốt các loại pháo trái phép.

Bộ luật Hình sự 2015 , sửa đổi bổ sung 2017quy định hành vi đốt pháo bị xử lý hình sự nếu thỏa mãn toàn bộ các điều kiện sau đây:

  • Là pháo nổ theo quy định tại Công văn 340/TANDTC-PC ngày 22/2/2017 của Tòa án nhân dân tối cao;

  • Đáp ứng cấu thành tội phạm của tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ tại Điều 305;

  • Loại pháo nổ được sử dụng phải là vật liệu nổ theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ công cụ hỗ trợ 2017 (Điều 2, khoản 2 đến khoản 8 Điều 3 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP);

Cụ thể, mô tả loại tội phạm này như sau:

Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;

c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;

d) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

đ) Làm chết người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

h) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Thuốc nổ các loại từ 30 kilôgam đến dưới 100 kilôgam;

b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng rất lớn;

c) Làm chết 02 người;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Thuốc nổ các loại 100 kilôgam trở lên;

b) Các loại phụ kiện nổ có số lượng đặc biệt lớn;

c) Làm chết 03 người trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Từ căn cứ trên, suy ra, với trường hợp thỏa mãn cấu thành tội phạm cơ bản sử dụng vật liệu nổ là pháo nổ thì mức phạt được áp dụng là từ 1 đến 5 năm tù.

Mức phạt này có thể tăng lên từ 3 - 10 năm nếu thuộc khung hình phạt tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 2, hoặc 7 - 15 năm tại khoản 3, thậm chí là chung thân nếu tại khoản 4 Điều 305.

Khung hình phạt, mức phạt cụ thể được áp dụng phải dựa trên hồ sơ vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, mức độ nguy hiểm cho xã hội, thân nhân của người phạm tội và phải do Tòa án quyết định.

Nói tóm lại, việc đốt pháo hoa bị xử lý hình sự nếu như không bị xử phạt hành chính và thỏa mãn các điều kiện của Bộ luật Hình sự tại Điều 305 như:

  • Là loại vật liệu nổ và là pháo nổ: Xác định là vật liệu nổ, pháo nổ phải do cơ quan giám định có thẩm quyền tiến hành giám định trước khi khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án;

  • Thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm của loại tội này;

Hay, đốt pháo trái phép bị xử phạt thế nào đã được chúng tôi phân tích, giải đáp cụ thể ở trên. Theo đó, người đốt pháo vẫn có thể bị đi tù nếu phù hợp với cấu thành tội phạm về tội sử dụng vật liệu nổ tại Điều 305.

Đốt pháo trái phép có thể bị xử lý hình sựĐốt pháo trái phép có thể bị xử lý hình sự

Dịp tết, người dân được đốt loại pháo nào?

Câu hỏi: Tôi được biết vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định cho phép người dân được đốt pháo hoa.

Thực hư của quy định này như thế nào? – T.N (Bắc Giang).

Trước hết, cần đính chính thông tin Nhà nước cho phép người dân được đốt pháo hoa không phải hiện tại mới được ban hành mà quy định này đã có từ trước.

Điển hình là theo Chỉ thị số 406-TTg năm 1995 do Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký ban hành (văn bản vẫn còn hiệu lực thi hành), Nghị định 36/2009/NĐ-CP (văn bản đã hết hiệu lực).

Hiện nay, Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 11/01/2021 về quản lý và sử dụng pháo hoa. Trong đó, Điều 17 chỉ rõ:

Điều 17. Sử dụng pháo hoa

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Như vậy, điều kiện được sử dụng pháo hoa bao gồm:

  • Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự/năng lực pháp luật đầy đủ;

  • Sử dụng/đốt pháo hoa trong các trường hợp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm, trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật;

  • Pháo hoa được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa được Nhà nước cho phép hoạt động;

Hiện nay, nếu muốn mua pháo hoa, bạn chỉ có thể mua tại công ty TNHH MTV Hóa chất 21 trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (viết tắt là Z121), các đơn vị phân phối của Z121.

Z121 là đơn vị duy nhất được giao sản xuất, cung ứng pháo hoa được sử dụng dân sự. Số lượng pháo hoa tối đa mà 1 cá nhân được mua trong dịp Tết Nguyên Đán 2023 là 5 giàn.

Người đốt pháo trái phép bị xử phạt thế nào theo quy định hiện hành, mua pháo hoa ở đâu là hợp pháp đã được chúng tôi trả lời cụ thể như trên.

Tàng trữ pháo có thể bị phạt tiền lên đến 20 triệu đồngTàng trữ pháo có thể bị phạt tiền lên đến 20 triệu đồng

Mua pháo nhưng chưa đốt bị xử phạt thế nào?

Câu hỏi: Em họ tôi năm ngoái mua ba quả pháo về dự định sẽ đốt vào đêm giao thừa, nhưng chưa kịp đốt thì bị phát hiện ngay khi còn đang giấu trong gậm tủ.

Công an xã lập tức triệu tập em tôi lên xã, yêu cầu nộp phạt 20 triệu đồng.

Mức phạt đó có đúng theo quy định pháp luật hay không? - M.H (Ninh Bình).

Chúng tôi đã giải đáp các vấn đề liên quan đến việc đốt pháo trái phép bị xử phạt thế nào trong các phần trên. Theo đó, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu hình sự.

Việc mua pháo hoa cũng phải được thực hiện tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, đại lý được ủy quyền theo quy định pháp luật.

Đối với người có mua pháo hoa trái phép nhưng chưa kịp đốt thì bị xử phạt hành chính về hành vi tàng trữ pháo theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt tối đa là 20 triệu đồng.

Cụ thể, điểm e khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

e) Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo;

Trong trường hợp của em họ bạn, nếu việc mua bán, tàng trữ pháo hoa là trái quy định pháp luật (ví dụ như mua tại nơi không có thẩm quyền bán, không có hóa đơn chứng từ về việc mua bán...) thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tối đa là 20 triệu đồng (nếu có nhiều tình tiết tăng nặng).

Ngoài ra, hành vi giữ pháo hoa trong nhà còn có thể bị xử lý hình sự nếu thỏa mãn cấu thành tội phạm quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự mà chúng tôi đã nêu ở trên.

Kết luận: Mua, tàng trữ, đốt pháo trái phép bị xử phạt thế nào là những câu hỏi được nhiều người quan tâm, đặc biệt là những dịp lễ, tết.

Theo quy định pháp luật, hành vi mua, tàng trữ, đốt pháo (các loại pháo) có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự tùy thuộc mức độ vi phạm.

Chi tiết như chúng tôi đã giải đáp ở trên.

Trên đây giải đáp về đốt pháo trái phép bị xử phạt thế nào? Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X