Theo Luật xử lý vi phạm hành chính, việc tạm giữ tang vật, phương tiện vẫn được áp dụng khi xảy ra hành vi vi phạm. Tuy nhiên, không phải “thích thì thu” mà phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính
Hiện nay, cảnh cáo và phạt tiền là 2 hình thức xử lý vi phạm hành chính phổ biến nhất. Ngoài ra, có thể tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, trục xuất hoặc tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính.
Theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp đã bị tịch thu tang vật vi phạm hành chính. Chẳng hạn, người đua xe trái luật bị tịch thu xe, tịch thu ngoại tệ đổi ở tiệm vàng trái luật… Dẫu vậy, không phải lúc nào cơ quan chức năng cũng có quyền tịch thu tang vật, phương tiện của người vi phạm.
Đúng sai chuyện công an tịch thu hàng hóa bày bán trên vỉa hè
Khi nào được tạm giữ hàng hóa bày bán trên vỉa hè?
Hiện nay, việc tạm giữ tang vật, phương tiện theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:
- Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt;
- Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
- Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.
Sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành thì phải chấm dứt ngay việc tạm giữ tang vật, phương tiện.
Mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm; trường hợp không xác định được người vi phạm, người vi phạm vắng mặt hoặc không ký thì phải có chữ ký của 02 người làm chứng.
Hiện nay, phần lớn trường hợp bán rong, bày bán hàng hóa trên vỉa hè chưa nghiêm trọng hay cần thiết phải bị tịch thu nhưng lực lượng chức năng vẫn tiến hành thu giữ hàng loạt. Khi thu giữ thì thường không có biên bản theo đúng quy định của pháp luật. Vì thế, có thể khẳng định đa số trường hợp tịch thu hàng hóa bày bán trên vỉa hè, hàng hóa bán rong đều trái quy định.
Xem thêm:
“Bán hoa vỉa hè” dịp 8/3: Xu hướng kinh doanh trái luật
Bán hàng rong có phải đóng thuế, phí?
hieuluat.vn