hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 07/12/2020
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Giáo viên có quyền từ chối trực tết nếu không muốn?

Có phải việc trực hè trực tết của giáo viên là trách nhiệm của mỗi giáo viên? Trực hè trực tết có được hưởng chế độ gì không? Giáo viên có quyền từ chối trực tết không?

1. Giáo viên có phải trực hè trực tết không?

Mẹ tôi là giáo viên dạy trường tiểu học ở làng. Nghỉ hè hay tết nhiều năm, tôi thấy mẹ đều phải đi trực một số ngày. Vậy xin cho hỏi, việc đi trực hè trực tết này có phải là quy định bắt buộc không? (Hải Yến – Đà Nẵng).

Tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT quy định:

Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)

Đồng thời theo quy định tại khoản 1 Điều 112 Bộ luật lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

- Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

- Tết Âm lịch: 05 ngày;

- Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

- Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).”

Theo các quy định trên, thời gian hè, các ngày tết dương lịch, âm lịch là thời gian nghỉ ngơi của giáo viên. Trong đó, giáo viên được nghỉ nhưng vẫn hưởng nguyên lương.

Ngoài ra, Nhà nước không có bất cứ quy định nào khác yêu cầu giáo viên phải đến trường trực hè, trực tết trong thời gian được nghỉ.

Vì vậy, giáo viên như mẹ của bạn không bắt buộc phải trực hè, trực tết.

Giao vien co quyen tu choi truc tet 2021 khong

Giáo viên có quyền từ chối trực tết không? (Ảnh minh họa)

2. Giáo viên có quyền từ chối trực tết không?

Tết 2021 này do chuyển công tác giảng dạy tại 1 huyện của tỉnh cách nhà tôi hơn 500km, do đó, tôi có nguyện vọng tết năm nay sẽ không ở lại trực tết như mọi năm. Vậy tôi có được từ chối trực tết khi có lịch phân công trực của nhà trường không? (Hồng Hạnh – hanhdh...@gmail.com)

Việc nghỉ Tết của giáo viên là quyền lợi chính đáng như bao người lao động khác. Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 70 Luật Giáo dục, nhiệm vụ của nhà giáo là giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác.

Do đó, giáo viên không có nhiệm vụ phải trực Tết ở trường nên hoàn toàn có quyền từ chối khi không muốn. Nếu đã đồng ý trực thì giáo viên sẽ phải được trả thêm tiền làm thêm giờ theo quy định nêu trên.

Như vậy nếu bạn không muốn trực tết này, thì hoàn toàn có quyền từ chối. Nếu xảy ra trường hợp Hiệu trưởng ép giáo viên phải trực Tết thì căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, Hiệu trưởng có thể bị xử phạt hành chính.

3. Có quy định nào về chế độ trực hè, trực tết của giáo viên không?

Khi tôi chưa lập gia đình, ngoài thời gian trong năm học đi giảng dạy, khoảng thời gian nghỉ hè hay dịp tết, tôi sẵn sàng đến trường trực tết theo sự phân công của nhà trường. Tuy nhiên, năm nay do tôi sinh em bé, nên tôi xin phép Ban giám hiệu không phân công tôi đi trực trong dịp nghỉ hè tới đây. Tuy nhiên, trong lịch trực được phân công, vẫn có tên tôi. Cho tôi hỏi, có quy định cụ thể nào về chế độ trực hè, trực tết của giáo viên không? Ai bắt buộc phải trực? Ai không? (Phương Anh- AnhPt...@gmail.com)

Theo quy định tại Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT về chế độ làm việc đối với giáo viên thì thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:

- Thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hằng năm là 02 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có);

- Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.

Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.

Như vậy, giáo viên theo quy định được nghỉ 02 tháng hè nên không trực là đúng. Mặt khác, tùy vào tính chất công việc của từng bộ phận, chức danh mà dịp nghỉ hè, nhiều bộ phận, chức danh công việc tại trường sẽ phải đến trường làm việc như bình thường chứ không phải trực như hiệu trưởng, phí hiệu trưởng, nhân viên phòng tài vụ, kế toán, bảo vệ, lao công....

4. Giáo viên trực hè trực tết có được trả trợ cấp hay hỗ trợ gì không?

Tôi mới được điều chuyển công tác về ngôi trường THPT mới ở huyện bên. Tôi nghe nói trường mới có lịch phân công trực hè và trực tết rất rõ ràng hàng năm. Nhưng chưa nghe nói đến việc nếu đi trực có được tính khoản thù lao hay phụ cấp gì không? Cho tôi hỏi, nếu đi trực, những giáo viên như tôi sẽ được tính tiền lương như thế nào (Thuyntp...@gmail.com – Ninh Bình

Theo quy định, giáo viên không bắt buộc phải trực hè, trực tết. Tuy nhiên, nếu đồng ý trực hè, trực tết thì thời gian giáo viên đến trực sẽ được tính vào thời gian làm thêm giờ.

Căn cứ khoản 2 Điều 12 Luật Viên chức 2010, giáo viên là viên chức khi làm thêm giờ được hưởng chế độ như sau:

“Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.”

Như vậy, giáo viên đi trực hè, trực tết có thể được hưởng tiền làm thêm giờ. Trong đó, theo khoản 1 Điều 98 Bộ Luật lao động, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

- Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

- Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

- Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Như vậy, giáo viên trực hè vào ngày thường được trả tiền làm thêm giờ ít nhất bằng 150% giá tiền lương bình thường, trực tết được trả ít nhất bằng 300% giá tiền lương bình thường.

Mặt khác, khi thực hiện phân công trực hè, trực tết, nhà trường phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Được sự đồng ý của giáo viên;

- Bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày và tổng số giờ làm thêm không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

- Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, lãnh đạo trường phải bố trí để giáo viên được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

5. Nhà trường ép giáo viên trực hè trực tết bị phạt thế nào?

Con gái tôi hiện đang là giáo viên dạy môn Tiếng anh tại trường THCS ở thành phố. Tôi nghe nói, hè năm nay nó vẫn có trong danh sách phải trực hè. Tôi biết cháu năm nay có nguyện vọng được sang Trung Quốc thăm chồng đang công tác bên đó nên không muốn bị phân công đi trực hè như mọi năm. Cháu cũng đã làm đơn gửi lên Ban giám hiệu xin phép việc này, nhưng đã không được duyệt. Cho tôi hỏi việc nhà trường ép giáo viên trực hè trực tết bị phạt thế nào? (Bác Nguyễn Thị Ngà – Bắc Ninh).

Nghỉ hè, nghỉ tết là quyền lợi cơ bản của giáo viên. Do đó, nhà trường yêu cầu giáo viên phải trực hè, trực tết mà không được giáo viên đồng ý thì có thể bị xử phạt hành chính.

Việc yêu cầu giáo viên đến trường trực hè, trực tết nhưng không được đồng ý là vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lao động.

Trong đó, tại Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt các vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lao động như sau:

Phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

- Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;

- Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật Lao động.

Trong đó, Điều 107 quy định về làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt như: Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; Thực hiện các công việc nhằm phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa….

Như vậy, việc yêu cầu trực hè, trực tết mà không được giáo viên (trong trường hợp nạy là con gái bác) đồng ý, nhà trường có thể bị phạt tới 25 triệu đồng.

Trên đây là các thông tin Vanbanluat đưa ra xoay quanh nội dung đang được nhiều giáo viên quan tâm khi Tết 2021 đang cận kề, đó là việc giáo viên có quyền từ chối trực tết 2021 không, và nếu bị ép trực tết, trực hè thì nhà trường bị xử lý ra sao.

Xem thêm

Đi làm ngày Tết Dương lịch, Tết Âm lịch được tính thế nào?

hieuluat.vn

Có thể bạn quan tâm

X