Nhiều công ty vì sợ người lao động nhảy việc nên đã yêu cầu nộp Bằng đại học bản gốc. Pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này? Công ty sẽ bị xử phạt như thế nào?
Sau đó khi đã đủ tin tưởng thì sẽ trả lại bằng cho em. Em không biết là công ty có được phép giữ bằng của nhân viên không? Liệu hành vi này có bị xử phạt không ạ? Nếu em nộp bằng thì sẽ có những rủi ro gì ạ? Xin cảm ơn!
Trả lời:
Công ty có được giữ Bằng đại học gốc của người lao động không?
Bằng đại học là một trong các loại giấy tờ nhân thân thuộc quyền sở hữu của cá nhân và được pháp luật bảo vệ.
Theo Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 về hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động quy định:
“Điều 17. Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.”
Có được giữ bằng đại học gốc của người lao động? (Ảnh minh họa)
Theo quy định trên, người sử dụng lao động khi giao kết hợp đồng lao động không được phép đòi hỏi, giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bẳng, chứng chỉ của người lao động. Đồng thời không được yêu cầu người lao động phải đặt một khoản tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng.
Mặt khác, tại khoản 3 Điều 165 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định:
“Điều 165. Các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động
3. Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.”
Như vậy, từ các quy định trên cho thấy việc công ty giữ bằng Đại học của bạn là trái với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, hồ sơ tuyển dụng lao động chỉ gồm: đơn xin việc, sơ yếu lý lịch, bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, giấy khám sức khỏe của cơ quan y tế,…Do đó, bạn có quyền từ chối giao bằng Đại học của mình cho công ty.
Giữ bằng đại học gốc của người lao động bị xử phạt như thế nào?
Công ty giữ bằng Đại học của người lao động cũng chỉ xuất phát từ việc giữ chân người lao động, không muốn họ nhảy việc liên tục dẫn đến mất công sức và thời gian đào tạo. Tuy nhiên, dù với lý do gì thì hành vi này cũng là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt.
Theo điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động như sau:
“Điều 8. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;”
Giữ bằng tốt nghiệp của người lao động xử phạt thế nào? (Ảnh minh họa)
Do đó, khi người sử dụng lao động có hành vi vi phạm khi giao kết hợp đồng lao động sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng tùy từng hành vi vi phạm. Đồng thời phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng.
Trong trường hợp của bạn, công ty yêu cầu bạn cung cấp bằng gốc Đại học và giữ trong thời hạn 01 năm là sai và sẽ bị phạt tiền trong mức từ 20 triệu đến 25 triệu đồng.
Rủi ro khi nộp bằng gốc Đại học cho công ty
Hiện nay, rất nhiều các công ty yêu cầu người lao động phải nộp bằng gốc Đại học thì mới được làm việc. Rất nhiều bạn trẻ đã không tỉnh táo hoặc biết là sai nhưng vẫn chấp nhận. Tuy nhiên, bạn có thể gặp những rủi ro:
Thứ nhất, trong quá trình làm việc nếu bạn muốn thay đổi môi trường khác thì việc rút hồ sơ sẽ rất phiền phức. Thậm chí có công ty sẽ yêu cầu bạn phải nộp một khoản tiền để chuộc lại bằng.
Thứ hai, một số ít công ty có thể làm mất bằng của bạn do quá trình lưu trữ không cẩn thận.
Việc giữ giấy tờ tùy thân nhằm đưa người lao động vào hoàn cảnh lệ thuộc, buộc phải thực hiện các công việc theo yêu cầu là một dấu hiệu cảu lao động cưỡng bức nếu như người lao động không lấy lại được giấy tờ đó và người lao động nhận thấy rằng họ không thể rời khỏi nơi làm việc nếu không muốn tài sản của mình bị mất.
Chính vì vậy, bạn phải xem xét và cân nhắc trước khi quyết định môi trường làm việc.
Tóm lại, công ty không được phép giữ bằng Đại học của bạn và nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền trong mức từ 20 triệu đến 25 triệu đồng.
Trên đây là giải đáp về hành vi giữ bằng Đại học gốc của người lao động bị phạt thế nào? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.