hieuluat
Chia sẻ email

Quy định về phí dịch vụ nhà chung cư [Thông tin mới nhất]

Mục lục bài viết
  • Phí dịch vụ chung cư là gì?
  • Các loại phí dịch vụ chung cư
  • Mua chung cư nhưng không ở có cần đóng phí dịch vụ không?

Khi mua hoặc thuê nhà chung cư, ngoài việc phải trả tiền để mua hay thuê nhà, cư dân phải đóng cho ban quản lý chung cư những khoản phí gọi là phí dịch vụ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về phí dịch vụ nhà chung cư.

Câu hỏi: Khi mua hoặc thuê nhà chung cư, ngoài việc phải trả tiền để mua hay thuê nhà, cư dân phải đóng cho ban quản lý chung cư những khoản phí gọi là phí dịch vụ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về phí dịch vụ nhà chung cư.

Phí dịch vụ chung cư là gì?

Khi sinh sống tại các chung cư, chủ sở hữu chung cư thường phải đóng cho ban quản lý một khoản phí nhất định, khoản phí này được gọi là phí dịch vụ chung cư.

Hiện nay chưa có văn bản nào định nghĩa cụ thể về phí dịch vụ nhà chung cư. Tuy nhiên có thể hiểu phí dịch vụ chung cư là khoản phí cư dân tại chung cư phải đóng cho ban quản lý để chi trả cho việc vận hành, quản lý chung cư cũng như việc sử dụng các dịch vụ tiện ích tại chung cư của cư dân.

Phí dịch vụ chung cư

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư 37/2009/TT-BXD, giá dịch vụ nhà chung cư, bao gồm các khoản sau:

  • Chi phí dịch vụ nhà chung cư;

  • Lợi nhuận định mức hợp lý;

  • Thuế giá trị gia tăng.

Theo đó, phí dịch vụ nhà chung cư được xác định dựa trên chi phí trực tiếp, chi phí quản lý chung của doanh nghiệp quản lý vận hành và chi phí cho ban quản trị.

  • Chi phí trực tiếp:

Phí sử dụng năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và các chi phí khác để vận hành chung cư;

Phí nhân công điều khiển và duy trì hoạt động trang thiết bị chung cư;

Phí cho các dịch vụ: bảo vệ, vệ sinh, thu gom rác, chăm sóc vư­ờn, diệt côn trùng và các dịch vụ khác;

Phí điện chiếu sáng, nước công cộng trong khu chung cư;

Phí văn phòng phẩm, bàn ghế, phòng làm việc, điện, nước và một số chi phí khác của bộ phận quản lý chung cư.

  • Chi phí quản lý chung của doanh nghiệp quản lý vận hành chung cư:

Tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn và các khoản trích nộp khác cho bộ phận quản lý của doanh nghiệp;

Phí khấu hao tài sản cố định của doanh nghiệp quản lý vận hành.

  • Chi phí cho Ban quản trị:

Phí phụ cấp trách nhiệm cho các thành viên Ban quản trị và các chi phí hợp lý khác.

Các loại phí dịch vụ chung cư

Thông thường sẽ có các loại phí dịch vụ chung cư như sau:

  • Phí dịch vụ chung cư: Chi phí này có thể được thỏa thuận giữa chủ đầu tư và chủ sở hữu chung cư tại thời điểm ký kết hợp đồng mua bán/ cho thuê chung cư.

    Mức phí này không được pháp luật quy định cụ thể mà ở mỗi dự án chung cư sẽ có mức phí dịch vụ khác nhau. Ví dụ: Phí lau dọn hành lang, thu gom rác, quét dọn nơi công cộng, diệt côn trùng, chăm sóc cây xanh, vườn hoa;...

Phí dịch vụ chung cư bao gồm phí chăm sóc cảnh quan

Phí dịch vụ chung cư bao gồm phí chăm sóc cảnh quan

  • Phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư: Phí này được xác định dựa vào từng nhà chung cư và thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành.

    Phí này sẽ đóng hàng tháng hoặc theo định kỳ. Ví dụ: Chi phí trả cho dịch vụ bảo vệ, lễ tân, ban quản lý; phí vận hành, bảo dưỡng máy bơm nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy, thang máy;…

  • Phí bảo trì chung cư: Phí để thực hiện các công việc bảo trì phần sở hữu chung của chung cư. Ví dụ: Phí xử lý nước thải, hút bể phốt, cấy vi sinh hệ thống nước thải;...

  • Phí trông giữ xe;

  • Phí sử dụng nhiên liệu, năng lượng, nước sinh hoạt, dịch vụ truyền hình, thông tin liên lạc;...

  • Phí dịch vụ khác;...

Mua chung cư nhưng không ở có cần đóng phí dịch vụ không?

Theo khoản 3 Điều 4 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư (ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD) có quy định như sau:

“3. Việc đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư với đơn vị quản lý vận hành trên cơ sở các quy định của pháp luật về nhà ở. Việc sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư phải bảo đảm đúng mục đích, công khai, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở và Quy chế này; việc đóng góp các khoản phí, lệ phí trong quá trình sử dụng nhà chung cư phải tuân thủ các quy định của pháp luật.”

Từ quy định trên có thể thấy, việc thu phí quản lý vận hành chung cư được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu với đơn vị quản lý vận hành. Để xác định việc chủ sở hữu mua chung cư nhưng không ở có cần đóng phí quản lý vận hành chung cư hay không sẽ vào thỏa thuận của các bên. Theo đó:

  • Nếu hợp đồng mua bán chung cư nêu rõ trường hợp chủ sở hữu đã nhận bàn giao căn hộ nhưng chưa vào ở thì không phải đóng phí quản lý vận hành nhà chung cư.

  • Nếu hợp đồng nêu rõ thời điểm nhận bàn giao căn hộ chung cư thì sẽ tính phí quản lý vận hành chung cư.

Mua chung cư nhưng không ở vẫn có thể phải đóng phí dịch vụ

Mua chung cư nhưng không ở vẫn có thể phải đóng phí dịch vụ?

Như vậy, việc chủ sở hữu mua nhà chung cư nhưng ở có phải đóng phí quản lý vận hành chung cư hay không sẽ thực hiện dựa vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.

Đối với các chi phí khác như phí trông giữ xe, phí sử dụng nhiên liệu, năng lượng, nước sinh hoạt, dịch vụ truyền hình, thông tin liên lạc,.. sẽ được thu khi chủ sở hữu vào ở tại chung cư và sử dụng dịch vụ.

Trên đây là nội dung trả liên quan đến quy định về phí dịch vụ nhà chung cư. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung bài viết trên đây vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn và hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X