hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 07/08/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội, có quy định nào mới?

Sau lần giãn cách vừa qua, Hà Nội đã có những thành quả nhất định. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, vẫn còn ca nhiễm trong cộng đồng mỗi ngày, UBND TP.Hà Nội quyết định tiếp tục giãn cách xã hội trên toàn địa bàn. Vậy lần giãn cách này có gì khác lần trước không?

Câu hỏi: Tôi được biết Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến 6h ngày 23/8. Vậy quy định về giãn cách có gì khác so với lần trước? (Minh Tú – Từ Liêm, Hà Nội)

Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ

Theo Công điện 18/CĐ-UBND thì lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021. Như vậy đồng nghĩa với việc Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến 6h00 ngày 23/8/2021 theo nguyên tắc:

- Gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh;

Về nguyên tắc này, thành phố đề nghị triển khai đảm bảo thực chất, hiệu quả, chắc chắn, chặt chẽ giữa người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” để khống chế sự lây lan, kiểm soát dịch bệnh.

- Cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất được hoạt động nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

- Tiếp tục dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ô tô, đường thủy: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh.. Các xe chở hàng hóa nhu yếu phẩm phải đăng ký luồng xanh để hoạt động…

Về các trường hợp được đi ra ngoài, đến cơ quan làm việc, được cấp giấy đi đường vẫn thực hiện theo Chị thị 17 và hướng dẫn tại Công văn 2434/UBND-KT như:

- Những trường hợp thực sự cần thiết: trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật...

- Người lao động trong Thành phố làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu; lực lượng duy trì hệ thống, bảo trì, bảo dưỡng

- Người ở tỉnh, thành khác đến Hà Nội làm việc, lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động

- Cán bộ, nhân viên, người lao động thường trú tại Hà Nội làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố khác

- Các trường hợp: người ở tỉnh, thành khác đưa, đón bệnh nhân khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố; lễ tang; đi sân bay để công tác

- Các trường hợp ra, vào Thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch bệnh, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia...

Về các xe được phép lưu thông trên địa bàn thành phố như: xe chở hàng hóa thiết yếu, xe chở người và các phương tiện phục vụ công vụ được phép hoạt động theo Chỉ thị 17 vẫn phải thực hiện đăng ký luồng xanh để hoạt động.

hà nội tiếp tục giãn cách xã hội
Hà Nội tăng thời gian giãn cách để khống chế dịch Covid-19. Ảnh minh họa.

Giãn cách xã hội lần 2, có quy định gì khác?

Như phân tích ở trên, có thể thấy Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, tuy nhiên để mang lại hiệu quả, sớm kiểm soát được dịch bệnh, trong lần giãn cách này, UBND TP. Hà Nội đã có quy định, yêu cầu cụ thể hơn tại các khu vực không có dịch, khu vực nguy cơ và khu vực phong tỏa hoặc cách ly.

Đối với Khu vực không có dịch (Vùng xanh)

Đề nghị mỗi người dân ngoài việc chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò cùng tham gia thành lập các khu vực tự quản, thành lập “Chốt bảo vệ vùng xanh (vùng không có dịch)” do chính khu dân cư, tổ dân phố lập nên với sự ủng hộ, vào cuộc của người dân, chủ động phòng ngừa dịch ngay khi dịch bệnh chưa xảy ra và phát huy được lực lượng quần chúng, Nhân dân trong giữ gìn an toàn cho khu dân cư.

Đồng thời, chính quyền cơ sở thường xuyên tuyên truyền, kiểm soát việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, sẵn sàng trong mọi tình huống phát sinh

Đối với khu vực nguy cơ (Vùng da cam)

Vùng nguy cơ bao gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh,...:

Đối với vùng nguy cơ, chính quyền cơ sở phê duyệt phương án phòng chống dịch, chỉ cho hoạt động khi đảm bảo các quy định phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát qua việc tiếp nhận các ý kiến giám sát của Nhân dân trên địa bàn hoặc qua công tác kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở.

Mỗi cán bộ, công chức, người lao động, người dân nghiêm túc chấp hành việc khai báo y tế bằng mã QR Code khi đến làm việc, lao động hoặc mua sắm.

Đối với khu vực phong tỏa hoặc cách ly (Vùng đỏ)

Đối với vùng này, chính quyền cơ sở quyết định các biện pháp phong tỏa hoặc cách ly y tế với diện tích phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và nguy cơ;

Cần chủ động quyết định các biện pháp cao hơn đảm bảo không để dịch bệnh lây lan trong khu vực và kiểm soát, khống chế trong thời gian ngắn nhất.

Người dân trong khu vực chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của chính quyền cơ sở.

Như vậy, với việc phân vùng và quy định cụ thể về hoạt động, yêu cầu ở mỗi vùng, cộng với sự chung tay các cấp, ngành, địa phường và người dân, hi vọng rằng đợt giãn cách này tại Hà Nội sẽ mang lại hiệu quả cao, sớm kiểm soát được dịch bệnh, đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường.

Trên đây là giải đáp về Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội, có quy định gì khác trước? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X