hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 23/09/2019
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hành vi nào bị coi là xâm phạm quyền tác giả?

Hiện nay việc sao chép, sử dụng tác phẩm của người khác đã trở nên quá phổ biến. Thậm chí đã có không ít vụ việc gây thiệt hại lớn đến tác giả và chủ sở hữu. Vậy hành vi nào bị coi là xâm phạm quyền tác giả đến mức phải chịu trách nhiệm?

Quyền tác giả là gì?

Theo quy định tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009), quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Chủ sở hữu quyền tác giả có thể là chính tác giả hoặc các đồng tác giả, tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả, người thừa kế, người được chuyển giao quyền hoặc Nhà nước.

Những đối tượng này nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền dưới đây:

- Làm tác phẩm phái sinh;

- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

- Sao chép tác phẩm;

- Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

- Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

- Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Bất cứ ai khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền nêu trên đều phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cũng như các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Hành vi nào bị coi là xâm phạm quyền tác giả?

Xâm phạm quyền tác giả

Hành vi nào bị coi là xâm phạm quyền tác giả?

Để bảo vệ sự độc quyền của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm của mình, Điều 28 Luật này liệt kê tới 16 hành vi bị coi là xâm phạm quyền tác giả. Cụ thể:

- Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học;

- Mạo danh tác giả;

- Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả;

- Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả;

- Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây hại đến danh dự và uy tín của tác giả;

- Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ việc tự sao chép 01 bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân hoặc để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu;

- Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;

- Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác, trừ một số trường hợp nhất định;

- Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;

- Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả;

- Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả;

- Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả;

- Cố ý xoá, thay đổi thông tin quản lý dưới dạng điện tử có trong tác phẩm;

- Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả;

- Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo;

- Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Mức phạt đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả

Theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP, tùy từng hành vi vi phạm mà mức xử phạt sẽ khác nhau nhưng tối đa 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức.

Đặc biệt, trong lĩnh vực này, theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017, người vi phạm còn có thể bị phạt tù tới 03 năm hoặc phạt tiền lên đến 01 tỷ đồng.

Xem thêm:

Quyền tác giả được bảo hộ đến khi nào?

Cover bài hát của người khác có phạm luật?

hieuluat.vn

Có thể bạn quan tâm

X