hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 28/04/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Giấy tờ tùy thân là gì? Gồm những loại nào?

Tìm hiểu giấy tờ tùy thân là gì?

Dù chưa có khái niệm chính xác về giấy tờ tùy thân là gì, nhưng có thể hiểu giấy tờ tùy thân là những loại giấy tờ giúp xác định, nhận dạng đặc điểm của một người.

Giấy tờ tùy thân là gì? Những loại giấy tờ tùy thân

Giấy tờ tùy thân là gì? Những loại giấy tờ tùy thân

Giấy tờ tùy thân gồm những loại nào?

Ở mỗi quốc gia khác nhau sẽ có những quy định cụ thể về từng loại giấy tờ tùy thân. Dưới đây chúng tôi gửi đến bạn thông tin cơ bản về 3 loại giấy tờ tùy thân tại Việt Nam.

Tuy rằng vẫn chưa có văn bản nào liệt kê giấy tờ tùy thân gồm những loại giấy tờ cụ thể nào. Tuy nhiên ở một số quy định pháp luật đã có đề cập đến giấy tờ tùy thân, gồm Chứng minh nhân dân (CMND), Căn cước công dân (CCCD) và Hộ chiếu.

Chứng minh nhân dân

Chứng minh nhân dân là một trong những loại giấy tờ bắt buộc phải mang theo người mỗi khi ra đường.

Theo Điều 1 Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định rõ: “Chứng minh nhân dân quy định tại Nghị định này là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.”

- Đối tượng đăng ký: Công dân từ đủ 14 tuổi, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam

- Số CMND: 9 chữ số

- Về hình thức:

  • Chứng minh nhân dân là một thẻ có dạng hình chữ nhật với kích thước 85,6 mm x 53,98 mm.
  • Mặt trước gồm quốc huy, quốc hiệu, tiêu ngữ, ảnh chân chung của công dân; thông tin cơ bản của công dân gồm họ tên, ngày sinh, nguyên quán, địa chỉ thường trú và số chứng minh nhân dân riêng của từng người.
  • Mặt sau gồm ảnh quét vân tay, đặc điểm dị hình của công dân cùng với đó là xác nhận của địa phương

- Hiệu lực thẻ CMND: 15 năm đổi thẻ mới 1 lần

Mẫu chứng minh nhân dân

Mẫu chứng minh nhân dân

- Một số lưu ý:

  • Mỗi công dân chỉ được cấp một chứng minh nhân dân và có số chứng minh nhân dân riêng
  • Yêu cầu luôn mang theo CMND khi đi đường, giao dịch, xuất trình khi cơ quan chức năng yêu cầu
  • Không được tự ý tẩy, xóa, chỉnh sửa, cho thuê, cho mượn, cầm cố chứng minh nhân dân
  • Công dân sẽ bị thu hồi CMND trong trường hợp bị tước hoặc thôi quốc tịch Việt Nam, định cư ở nước ngoài

Căn cước công dân

Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

(Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014)

Căn cước công dân là hình thức mới của chứng minh nhân dân, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Căn cước công dân bao gồm căn cước công dân mã vạch và căn cước công dân gắn chip.

- Đối tượng đăng ký: Công dân từ đủ 14 tuổi, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam

- Số CCCD: 12 chữ số

- Về hình thức:

  • Thẻ căn cước công dân có dạng hình chữ nhật với chiều dài và chiều rộng lần lượt là 85,6 mm ± 0,12 mm và 53,98 mm ± 0,12 mm.
  • Tương tự như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân cũng bao gồm quốc huy, quốc hiệu, tiêu ngữ, ảnh chân chung của công dân; thông tin cơ bản của công dân gồm họ tên, ngày sinh, nguyên quán, địa chỉ thường trú và số căn cước công dân riêng của từng người.
  • Mặt sau của Căn cước công dân thể hiện thông tin giống với Chứng minh nhân dân, nhưng có thêm 1 con chip được xem là bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa.
  • Hiệu lực thẻ CMND: công dân cần đổi thẻ trước khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi

Mẫu căn cước công dân

Mẫu căn cước công dân

- Một số lưu ý:

  • Công dân cần phải đổi từ Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân mã vạch sang Căn cước công dân gắn chip khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi, 60 tuổi, nếu trong trường hợp tại thời điểm đổi thẻ 2 năm tuổi quy định thì vẫn có giá trị đến tuổi đổi thẻ tiếp theo

Ví dụ: A sinh năm 2000, năm 2023 A (23 tuổi) đổi thẻ từ CMND sang CCCD gắn chip thì tuổi đổi thẻ tiếp theo của A là 40 tuổi.

  • Yêu cầu luôn mang theo CCCD khi đi đường, giao dịch, xuất trình khi cơ quan chức năng yêu cầu
  • Không được tự ý tẩy, xóa, chỉnh sửa, cho thuê, cho mượn, cầm cố CCCD
  • Công dân sẽ bị thu hồi CCCD trong trường hợp bị tước hoặc thôi quốc tịch Việt Nam, định cư ở nước ngoài hoặc bị hủy bỏ cho nhập tịch Việt Nam

Để phục vụ công tác quản lý dân cư cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong các thủ tục hành chính, mọi người nên tham gia chuyển đổi sang thẻ CCCD gắn chip sớm nhất có thể.

Hộ chiếu (Passport)

Hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.

(Luật xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019)

Nếu như Chứng minh nhân dân và Căn cước công dân giúp nhận dạng công dân trong lãnh thổ Việt Nam thì Hộ chiếu được thể hiện ở phạm vị toàn cầu. Hộ chiếu Việt Nam gồm 3 loại chính, phục vụ cho 3 đối tượng khác nhau:

- Hộ chiếu ngoại giao:

  • Bìa màu đỏ nâu
  • Đối tượng sử dụng: quan chức cấp cao của nhà nước được quy định tại Điều 8, Luật Xuất nhập cảnh
  • Mục đích: ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ công tác

Hộ chiếu ngoại giao

Hộ chiếu ngoại giao

- Hộ chiếu công vụ:

  • Bìa màu xanh lá đậm
  • Đối tượng sử dụng: cán bộ, công chức, viên chức, công an. quân đội,...được quy định tại Điều 9, Luật Xuất nhập cảnh
  • Mục đích: ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ công tác

Hộ chiếu công vụ

Hộ chiếu công vụ

- Hộ chiếu phổ thông:

  • Bìa màu xanh tím
  • Đối tượng sử dụng: công dân Việt Nam
  • Mục đích: tùy nhu cầu, mục đích của mỗi người khi ra nước ngoài (du lịch, du học, công tác…)

Hộ chiếu phổ thông

Hộ chiếu phổ thông

Có thể thay giấy tờ tùy thân bằng những giấy tờ nào?

Qua các thông tin bên trên chắc bạn đã phần nào hiểu được về khái niệm giấy tờ tùy thân là gì và biết thêm các loại giấy tờ tùy thân quan trọng.

Ngoài 3 loại giấy tờ tùy thân kể trên thì trong một số trường hợp đặc biệt bạn có thể sử dụng một số loại giấy tờ để thay thế cho giấy tờ tùy thân.

  • Giấy phép lái xe

Khi tham gia giao thông và được cảnh sát giao thông yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân, người dân cần xuất trình cả giấy phép lái xe.

Khi tham gia các chuyến bay nội địa, theo phụ lục XIV Thông tư 13/2019/TT-BGTVT quy định rõ giấy phép lái xe cũng được xem là một loại giấy tờ để xác minh nhân thân của công dân. Cụ thể các loại giấy tờ gồm:

  • Hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân
  • Giấy chứng minh, chứng nhận của công an nhân dân, quân đội nhân dân
  • Thẻ Đại biểu Quốc hội
  • Thẻ Đảng viên
  • Thẻ Nhà báo
  • Giấy phép lái xe ô tô, mô tô
  • Thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia
  • Thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay loại có giá trị sử dụng dài hạn
  • Thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam
  • Giấy xác nhận nhân thân do công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận (giấy xác nhận có các thông tin thể hiện các nội dung sau: cơ quan xác nhận, người xác nhận; ngày, tháng, năm xác nhận; họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quê quán, nơi thường trú của người được xác nhận; lý do xác nhận
  • Giấy xác nhận có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và chỉ có giá trị trong vòng 30 ngày kể từ ngày xác nhận); giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hành khách là người vừa chấp hành xong bản án
  • Giấy tờ khác

Giấy tờ có dán ảnh, có dấu giáp lai xác nhận của cơ quan địa phương và còn giá trị sử dụng cũng có thể được thay thế cho giấy tờ tùy thân trong các trường hợp khẩn cấp (Thẻ Đảng, Thẻ Đoàn, Thẻ Đại biểu Quốc hội, Thẻ Nhà báo,...)

Kết luận

Tóm lại, giấy tờ tùy thân là nhằm định danh nhân thân của một người. Do đó nếu trong trường hợp không mang theo CMND/CCCD/Hộ chiếu, bạn vẫn có thể sử dụng các loại giấy tờ khác như thẻ bảo hiểm xã hội, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe,..

Bên trên là những giải đáp cho câu hỏi giấy tờ tùy thân là gì, nếu vẫn còn thắc mắc, bạn có thể liên hệ trực tiếp qua trang web của chúng tôi để tìm hiểu thêm các vấn đề liên quan.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X