Thuế giá trị gia tăng, thuế VAT… được nhắc đến rất nhiều trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có cách hiểu mù mờ, thậm chí là hiểu sai về loại thuế này.
Thuế giá trị gia tăng là gì?
Luật Thuế giá trị gia tăng đưa ra định nghĩa về loại thuế này như sau: “Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”.
Nói cách khác, thuế giá trị gia tăng được thu trên cơ sở phần giá trị tăng thêm của sản phẩm (phần chênh lệch giữa giá mua và giá bán). Người cung cấp sản phẩm, dịch vụ… lần đầu sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng trên toàn bộ doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ. Những người bán sản phẩm ở những khâu sau chỉ phải nộp thuế giá trị gia tăng trên phần giá trị tăng thêm mà thôi. Và người mua sản phẩm, dịch vụ cuối cùng chính là người phải chịu thuế giá trị gia tăng.
Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế do Luật quy định.
Hiểu thế nào cho đúng về thuế giá trị gia tăng?
Ai là người phải nộp thuế?
Người tiêu dùng (người mua sản phẩm, dịch vụ cuối cùng) là đối tượng phải chịu thuế giá trị gia tăng nhưng họ không phải là người trực tiếp nộp thuế. Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế giá trị gia tăng bao gồm:
- Các tổ chức kinh doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh;
- Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác;
- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam;
- Cá nhân, hộ gia đình, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu;
- Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân mua dịch vụ là người nộp thuế, trừ trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng;
- Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập để hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.
hieuluat.vn