Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội chẳng may mắc bệnh do điều kiện lao động có hại sẽ được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp. Vậy, để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp cần những giấy tờ gì, thủ tục thực hiện thế nào?
Trả lời:
Danh mục bệnh nghề nghiệp mới nhất như thế nào?
Theo quy định tại Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp và suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh trong danh mục đó.
Cụ thể, Danh mục bệnh nghề nghiệp hiện nay được áp dụng theo Thông tư 15/2016/TT-BYT, có 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp như sau:
1 | Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp |
2 | Bệnh bụi phổi amian |
3 | Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp |
4 | Bệnh bụi phổi talc nghề nghiệ |
5 | Bệnh bụi phổi than nghề nghiệp |
6 | Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp |
7 | Bệnh hen nghề nghiệp |
8 | Bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp |
9 | Bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do benzen và đồng đẳng |
10 | Bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp |
11 | Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp |
12 | Bệnh nhiễm độc trinitrotoluen nghề nghiệp |
13 | Bệnh nhiễm độc asen nghề nghiệp |
14 | Bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp |
15 | Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp |
16 | Bệnh nhiễm độc cacbon monoxit nghề nghiệp |
17 | Bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp |
18 | Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồ |
19 | Bệnh giảm áp nghề nghiệp |
20 | Bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân |
21 | Bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ |
22 | Bệnh phóng xạ nghề nghiệp |
23 | Bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp |
24 | Bệnh nốt dầu nghề nghiệp |
25 | Bệnh sạm da nghề nghiệp |
26 | Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm |
27 | Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài |
28 | Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su |
29 | Bệnh Leptospira nghề nghiệp |
30 | Bệnh viêm gan vi rút B nghề nghiệp |
31 | Bệnh lao nghề nghiệp |
32 | Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp |
33 | Bệnh viêm gan vi rút C nghề nghiệp |
34 | Bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp |
Khám giám định bệnh nghề nghiệp cần những giấy tờ gì?
Theo phân tích trên, một trong những điều kiện để hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp là suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. Hồ sơ khám giám định bệnh nghề nghiệp căn cứ khoản 2 Điều 5, khoản 2 Điều 6 Thông tư 56/2017/TT-BYT như sau:
Hồ sơ khám giám định lần đầu bệnh nghề nghiệp
- Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động với trường hợp người được giám định lần đầu bệnh nghề nghiệp thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động tại thời điểm đề nghị khám giám định.
- Giấy đề nghị khám giám định của người lao động với trường hợp người lao động không còn làm nghề, công việc có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp mà phát hiện mắc bệnh nghề nghiệp trong thời gian bảo đảm của bệnh.
- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Hồ sơ bệnh nghề nghiệp.
- Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp của người lao động có liên quan đến bệnh nghề nghiệp (nếu có).
- Một trong các giấy tờ sau:
+ Chứng minh nhân dân.
+ Căn cước công dân.
+ Hộ chiếu còn hiệu lực.
Lưu ý: nếu không có các giấy tờ nêu trên thì phải có Giấy xác nhận của Công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh và được cấp trong thời gian không quá 03 tháng tính đến thời điểm đề nghị khám giám định.
Hồ sơ khám giám định lại bệnh nghề nghiệp tái phát
- Giấy đề nghị khám giám định.
- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Hồ sơ bệnh nghề nghiệp.
- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc Giấy ra viện ghi rõ tổn thương tái phát.
- Bản chính hoặc Bản sao hợp lệ biên bản giám định y khoa lần gần nhất.
- Một trong các giấy tờ như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu còn hiệu lực…
Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp gồm những gì? (Ảnh minh họa)
Làm thế nào để nhận trợ cấp bệnh nghề nghiệp?
Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
Theo khoản 1 Điều 6 Quyết định 166/QĐ-BHXH, hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp gồm hồ sơ trong trường hợp bị bệnh nghề nghiệp lần đầu và trường hợp giám định lại do bệnh tật tái phát.
Trường hợp bị bệnh nghề nghiệp lần đầu
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
- Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị bệnh nghề nghiệp.
- Trường hợp bị bệnh nghề nghiệp mà không điều trị nội trú thì có thêm giấy khám bệnh nghề nghiệp.
- Chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt (nếu có).
- Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp.
- Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa.
Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp tái phát
- Sổ bảo hiểm xã hội.
- Trường hợp điều trị xong, ra viện trước ngày 01/7/2016 mà lần giám định trước không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp: Biên bản điều tra tai nạn lao động hoặc kết quả đo đạc môi trường có yếu độc hại.
- Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động lần trước gần nhất của Hội đồng giám định y khoa với trường hợp đã được giám định nhưng không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp.
- Biên bản giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi điều trị thương tật, bệnh tật tái phát của Hội đồng giám định y khoa.
- Chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc của bệnh viện cấp tỉnh và tương đương trở lên về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt (nếu có).
- Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa.
Giải quyết hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
Theo Điều 59 Luật An toàn, vệ sinh lao động, Điều 7 Quyết định 166/QĐ-BHXH, thủ tục giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp như sau:
- Trong thời hạn 30 ngày, người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp từ người lao động.
- Tối đa 06 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động.
Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trên đây là danh mục bệnh nghề nghiệp và hồ sơ hưởng chế độ mới nhất. Nếu còn băn khoăn, độc giả vui lòng gửi câu hỏi tại đây. Các chuyên gia pháp lý của hieuluat.vn sẽ hỗ trợ bạn câu trả lời trong vòng 24 giờ làm việc, nếu câu hỏi đầy đủ thông tin.
>> Năm 2021, bị bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp bao nhiêu?