hieuluat
Chia sẻ email

Chế độ dưỡng sức sau sinh 2023: Toàn bộ quy định người lao động cần biết

Hồ sơ hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh gồm những gì? Thời gian, điều kiện, mức hưởng của lao động nữ sau khi sinh được quy định thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Điều kiện được nghỉ dưỡng sức sau sinh là gì?
  • Đối tượng nào được nghỉ dưỡng sức sau sinh?
  • Mức hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh 2023 là bao nhiêu?
  • Hồ sơ nghỉ dưỡng sức sau sinh 2023 gồm những gì?
  • Thời hạn giải quyết chế độ nghỉ dưỡng sau sinh là bao lâu?

Điều kiện được nghỉ dưỡng sức sau sinh là gì?

Câu hỏi: Tôi hiện sinh con đã được 03 tháng và vẫn đang trong thời gian nghỉ thai sản 06 tháng theo đúng quy định, thai của tôi là thai đôi.

Tôi có nghe, nếu sinh đôi thì được nghỉ thêm 01 tháng thai sản nữa. Điều này có đúng không? (Vũ Phương Nhung – Thái Nguyên).

Chào bạn, điều kiện được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh của lao động nữ mang thai được quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

  • Lao động nữ thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 33, khoản 1, khoản 3 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội. Cụ thể gồm:

    • ​Lao động nữ hưởng chế độ thai sản khi sẩy thai, nạo hút thai, phá thai bệnh lý, thai chết lưu;

    • Lao động nữ sinh con;

    • Lao động nữ mang thai hộ;

    • Lao động nữ sinh con nhưng con chết sau khi sinh;

  • Trong thời gian 30 ngày đầu làm việc sau thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản mà sức khỏe chưa phục hồi;

  • Lao động nữ thỏa mãn điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định (đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh hoặc đóng từ đủ 3 tháng trong thời hạn 12 tháng trước khi sinh nếu phải nghỉ làm dưỡng thai);

Ngoài ra, thời hạn mà lao động nữ được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh do người sử dụng lao động (doanh nghiệp, cơ quan...) và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định (nếu không có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định).

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cụ thể là:

  • Tối đa 10 ngày: Nếu lao động nữ sinh 2 con/1 lần sinh trở lên;

  • Tối đa 7 ngày: Nếu lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;

  • Tối đa 5 ngày: Nếu lao động nữ sinh con trong các trường hợp còn lại;

Kết luận: Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sau sinh của bạn do công ty và ban chấp hành cơ sở nơi bạn làm việc, tối đa thời hạn là 10 ngày. ​

Để được hưởng chế độ này thì bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh 2023 theo quy định pháp luật để được giải quyết.

chế độ dưỡng sức sau sinh 2023 được quy định như thế nào
Để được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh cần đáp ứng các điều kiện quy định.

Đối tượng nào được nghỉ dưỡng sức sau sinh?

Câu hỏi: Tôi chuẩn bị sinh em bé đầu lòng vào tháng tới.

Xin hỏi, trong thời gian nghỉ sinh con theo chế độ của bảo hiểm hiện nay, tôi có thuộc diện được nghỉ dưỡng sức sau sinh không? (Bùi Thị Hải – Yên Bái).

Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh là chế độ dành cho lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản của bảo hiểm xã hội.

Căn cứ khoản 1 Điều 13 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH, Điều 3 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đối tượng được nghỉ dưỡng sức sau sinh bao gồm:

  • Lao động nữ sinh con;

  • Lao động nữ mang thai hộ;

  • Lao động nữ bị sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý;

  • Lao động nữ sinh con nhưng con chết sau khi sinh;

Đây là điều kiện cần để được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh. Điều kiện đủ để lao động nữ được hưởng chế độ này là:

  • ​Tại thời điểm hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sau sinh, lao động nữ đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và đã hết thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định;

  • ​Đối tượng là lao động nữ thuộc một trong những trường hợp chúng tôi nêu trên, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết hạn nghỉ chế độ thai sản mà chưa phục hồi được sức khỏe thì được quyền nghỉ dưỡng sức;

  • Có hồ sơ đầy đủ nộp cho người sử dụng lao động để giải quyết chế độ;

Kết luận: Đối tượng là những lao động nữ thuộc một trong các trường hợp mà chúng tôi đã nêu ở trên, có đủ hồ sơ hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh nộp cho người lao động theo quy định là những người được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh.

các đối tượng được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinhPháp luật quy định rõ các đối tượng được hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh.

Mức hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh 2023 là bao nhiêu?

Câu hỏi: Tôi sắp hết ngày hưởng chế độ thai sản khi sinh con.

Tuy nhiên, vì sức khỏe của tôi chưa ổn định, nên tôi muốn có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh.

Tôi rất muốn biết là hiện nay, mức hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh đang là bao nhiêu? (Phương Trang – TP. Hồ Chí Minh).

Trước hết, mức tiền mà người lao động được hưởng của chế độ phục hồi, dưỡng sức sau sinh là số tiền mà lao động nữ được nhận cho những ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh theo quyết định của doanh nghiệp nơi mình làm việc.

Khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản là:

Mức tiền được hưởng = 30% x Mức lương cơ sở x Số ngày được nghỉ

Trong đó:

  • Mức lương cơ sở hiện hành là 1,49 triệu đồng/1 tháng (từ 1/7/2023 mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/1 tháng);

  • Số ngày được nghỉ do người sử dụng lao động quyết định và tối đa là 10 ngày nếu sinh một lần từ 02 con trở lên; 07 ngày nếu sinh con phải phẫu thuật; 05 ngày đối với các trường hợp khác.

  • Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần;

Theo đó, số tiền 1 ngày mà bạn được hưởng khi nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh là 30% x 1,49 triệu đồng = 447.000 đồng

Kết luận: Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh một ngày bằng 30% lương cơ sở tại thời điểm người lao động nghỉ. Hiện nay, mức lương cơ sở đang được áp dụng là 1,49 triệu đồng/1 tháng và sẽ tăng lên thành 1,8 triệu đồng/1 tháng từ 1/7/2023.

Người lao động được nhận số tiền này sau khi hồ sơ hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh được cơ quan bảo hiểm xã hội chấp nhận, giải quyết, chi trả.


Hồ sơ nghỉ dưỡng sức sau sinh 2023 gồm những gì?

Câu hỏi: Tôi là công nhân nhà máy sản xuất gạch men, đang nghỉ sinh con thứ hai.

Hiện tôi đang nhờ người thân chuẩn bị hồ sơ để nộp hưởng chế độ phục hồi sức khỏe sau sinh do tôi chưa đảm bảo sức khỏe làm việc.

Cho tôi hỏi, hồ sơ nghỉ dưỡng sức khỏe sau sinh gồm những gì? (Đinh Phương Ánh – Đồng Nai).

Trước hết, để được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh, lao động nữ phải thỏa mãn các đối tượng, điều kiện luật định và phải có hồ sơ đầy đủ đề nghị hưởng chế độ như chúng tôi đã nêu trên.

Hồ sơ hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh của lao động nữ được quy định tại điểm 2.4 khoản 2 Điều 4 Quyết định số 166/QĐ-BHXH gồm:

  • Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe do đơn vị sử dụng lao động lập mẫu 01-HSB;

Ngoài ra, người lao động có thể đề nghị doanh nghiệp cung cấp cho mình mẫu Đơn xin nghỉ dưỡng sức sau sinh nhằm thuận lợi hơn trong việc thực hiện chế độ.

Kết luận: Hồ sơ hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh là giấy tờ do người sử dụng lao động lập, nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội có thẩm quyền dựa trên đề nghị nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh của người lao động.

Mẫu đang được sử dụng là 01-HSB.

Điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh là gì?


Thời hạn giải quyết chế độ nghỉ dưỡng sau sinh là bao lâu?

Câu hỏi: Công ty báo với tôi là đã gửi hồ sơ hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh lên cơ quan bảo hiểm xã hội.

Tôi không rõ là thời gian giải quyết mất bao lâu thời gian? (Lường Thị Hương – Lào Cai).

Thời gian giải quyết chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh bao gồm khoảng thời gian công ty tiếp nhận đề nghị nghỉ dưỡng sức của người lao động, nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội; và thời gian cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết.

Cụ thể, Điều 103 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

  • Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh, đơn vị sử dụng lao động phải lập hồ sơ nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội;

  • Tối đa 06 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ đơn vị sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết và chi trả tiền chế độ cho người lao động;

Như vậy, thời gian kể từ thời điểm doanh nghiệp/người sử dụng lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh cho cơ quan bảo hiểm xã hội đến khi nhận tiền chế độ là không quá 6 ngày làm việc.

Quá thời hạn này mà bạn vẫn không nhận được kết quả thì bạn liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp, công ty nơi mình làm việc để được hướng dẫn, xử lý.

Trên đây là giải đáp thắc mắc của chúng tôi về  chế độ dưỡng sức sau sinh 2023, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X