hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 05/08/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động do Covid-19 gồm những gì?

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do Covid-19, Chính phủ đồng thời có các chính sách dành riêng cho người sử dụng lao động nhằm góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực... Vậy đối tượng nào được nhận sự hỗ trợ này?

Mục lục bài viết
  • Chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động do Covid-19 thế nào?
  • Thủ tục vay vốn cho người sử dụng lao động
  • Hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do Covid-19 còn chính sách nào?
Câu hỏi: Tôi muốn hỏi hiện nay có những chính sách nào hỗ trợ cho người sử dụng lao động? Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp của tôi đã ngừng kinh doanh và thực sự đang gặp khó khăn về vốn. Tôi xin cảm ơn! ( Bùi Văn Dũng – TP.HCM)

Chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động do Covid-19 thế nào?

Tại Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Chính phủ đã đưa ra chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động do Covid-19. Cụ thể:

Cho vay trả lương ngừng việc

Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên do ảnh hưởng của dịch bệnh , trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.

Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Mức cho vay tối đa: bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng.

Thời hạn vay vốn: dưới 12 tháng.

Cho vay trả lương phục hồi sản xuất

Điều kiện:

- Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 khi quay trở lại sản xuất kinh doanh

- Người sử dụng lao động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022

được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tuy nhiên để được vay vốn không lãi suất, người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Mức cho vay tối đa: bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng.

Thời hạn vay vốn: dưới 12 tháng.

hỗ trợ người sử dụng lao động do covid-19
Người sử dụng lao động khó khăn do Covid-19 có nhiều chính sách hỗ trợ. Ảnh minh họa.

Câu hỏi: Người sử dụng lao động muốn vay vốn Ngân hàng Chính sách thì cần thực hiện thủ tục như thế nào? (Minh Quang - Bình Dương)

Thủ tục vay vốn cho người sử dụng lao động

Thủ tục nhận hỗ trợ cho người sử dụng lao động do Covid-19 bao gồm các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ vay vốn được quy định tại Điều 40, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg gồm:

1. Giấy đề nghị vay vốn theo Mẫu 12a, 12b, 12c (Phụ lục Quyết định  23/2021/QĐ-TTg)

2. Danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội theo Mẫu 13a, 13b, 13c (Phụ lục Quyết định  23/2021/QĐ-TTg)

3. Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau:

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã/hộ kinh doanh; Quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);

Giấy phép kinh doanh/Giấy phép hoạt động/Chứng chỉ hành nghề (đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc pháp luật có quy định);

Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư (đối với doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài).

4. Giấy Ủy quyền (nếu có).

5. Bản sao văn bản về việc người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết 31/3/2022 (đối với vay vốn trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh).

6. Phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh đối với Người sử dụng lao động được vay vốn trả lương cho người lao động

7.  Bản sao thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của cơ quan thuế đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch...

Lưu ý:

Người sử dụng lao động phải:

- Tự kê khai, lập danh sách, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với số lao động ngừng việc, số lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;

- Phục hồi sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động;

- Có trách nhiệm hoàn trả vốn vay đầy đủ, đúng hạn cho Ngân hàng Chính sách xã hội

Bước 2: Xác nhận danh sách tham gia BHXH

Người sử dụng lao động đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận danh sách người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội.

Trong 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động, làm căn cứ để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay.

Bước 3: Gửi hồ sơ

Người sử dụng lao động gửi hồ sơ đề nghị vay vốn đến Ngân hàng Chính sách xã hội nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú đối với hộ kinh doanh, cá nhân.

Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay vốn chậm nhất đến hết ngày 25/3/2022.

Bước 4: Phê duyệt cho vay

Kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động, trong 4 ngày làm việc, Ngân hàng Chính sách xã hội phê duyệt cho vay.

Trường hợp không cho vay thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đến người sử dụng lao động.

Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận tái cấp vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải ngân đến người sử dụng lao động.

Câu hỏi: Tôi muốn biết, ngoài hỗ trợ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách, người sử dụng lao động còn được hưởng chính sách hỗ trợ nào? (Xuân Nam - Đồng Nai)

Hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do Covid-19 còn chính sách nào?

Tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, vấn đề hỗ trợ cho người sử dụng lao động do Covid-19 còn có thêm chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

Người sử dụng lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (trừ cán bộ, công viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong các cơ quan Nhà nước…)

Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng, chống COVID-19.

- Mức đóng: Bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

- Thời gian áp dụng: 12 tháng, từ ngày 01/7/2021 - hết 30/6/2022.

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng tính từ tháng người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị…

Bên cạnh đó, Bộ Tài Chính cũng đang trình Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ về chính sách thuế. Trong đó, đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021; giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề...; giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ...

Trên đây là giải đáp về vấn đề hỗ trợ người sử dụng lao động do Covid-19. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X