Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống người dân, nhất là những người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy,… Vậy chính sách hỗ trợ khi nghỉ không lương do Covid-19 cho người lao động thế nào?
Đối tượng nào được nhận hỗ trợ khi nghỉ việc không lương?
Căn cứ theo Điều 13 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, đối tượng được hỗ trợ khi nghỉ không lương do Covid-19 là: Người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch.
Theo đó, đối tượng nhận hỗ trợ phải đáp ứng các điều kiện:
- Nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01/5/2021 – hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/5/2021 – hết ngày 31/12/2021;
- Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
Như vậy, để được nhận hỗ trợ khi nghỉ việc không lương do Covid-19 bạn cần lưu ý về các điều kiện nêu trên.
Nghỉ việc không lương do Covid-19, được hỗ trợ thế nào? (Ảnh minh họa)
Nghỉ việc không lương do Covid-19, được hỗ trợ bao nhiêu?
Mức hỗ trợ khi nghỉ không lương do Covid-19 cũng là vấn đề mà người lao động rất quan tâm bởi khoản tiền hỗ trợ sẽ giúp người lao động phần nào vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch.
Cũng theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, tại Điều 14 quy định về mức hỗ trợ và phương thức chi trả như sau:
Chi trả 01 lần cho người lao động thuộc đối tượng được nhận hỗ trợ, mức hỗ trợ:
- Hỗ trợ 1,855 triệu đồng/người: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng (30 ngày).
- Hỗ trợ 3.71 triệu đồng/người: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng (30 ngày) trở lên.
- Hỗ trợ thêm 01 triệu đồng/người với:
+ Người lao động đang mang thai;
+ Người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em).
Tùy vào thời gian nghỉ việc không lương, bạn có thể xác định khoản hỗ trợ mà mình được nhận theo một trong các mức nêu trên.
Có thể thỏa thuận nghỉ không lương qua email, tin nhắn,… không?
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có Công văn 2558/LĐTBXH-VP theo đó, trường hợp không thể trực tiếp thỏa thuận bằng văn bản do điều kiện giãn cách, phong tỏa, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có hướng dẫn như sau:
- Nếu do dịch bệnh hoặc nguyên nhân bất khả kháng không thể thỏa thuận bằng văn bản, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận bằng hình thức khác như: Qua điện thoại, tin nhắn, Email,….
- Khi có sự thống nhất thỏa thuận giữa hai bên thì người sử dụng lao động ghi rõ cách thức thỏa thuận vào cột “Ghi chú” tại Mẫu số 05 và chịu trách nhiệm về nội dung thỏa thuận.
Như vậy, nếu vì các lý do giãn cách, cách ly,… bạn và công ty không thể ký trực tiếp thỏa thuận nghỉ không lương thì có thể thực hiện thỏa thuận qua điện thoại, tin nhắn, email,… nhưng phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin này.
Người lao động nghỉ không lương nhận hỗ trợ ra sao?
Để người lao động nhận hỗ trợ khi nghỉ việc không lương do Covid-19, người sử dụng lao động có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ và thực hiện thủ tục thay người lao động. Cụ thể:
Hồ sơ đề nghị gồm:
- Bản sao văn bản thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương.
- Danh sách người lao động có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội theo Mẫu số 05.
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ sau:
+ Giấy tờ chứng minh người lao động đang mang thai;
+ Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em;
+ Giấy chứng nhận nuôi con nuôi;
+ Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm.
Trình tự, thủ tục thực hiện:
Bước 01:
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội.
- Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.
Bước 02:
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục gửi hồ sơ đến UBND huyện nơi đặt trụ sở chính.
- Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/01/2022.
Bước 03:
- Trong 02 ngày làm việc, UBND cấp huyện thẩm định, trình UBND cấp tỉnh.
Bước 04:
- Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Danh sách và kinh phí hỗ trợ; chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ.
Trường hợp không phê duyệt, thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trên đây là giải đáp về hỗ trợ khi nghỉ không lương do Covid-19 cho người lao động. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Sau sinh, nghỉ không lương có được hưởng chế độ dưỡng sức?