hieuluat
Chia sẻ email

Lập hợp đồng hôn nhân để phân chia tài sản có phạm pháp không?

Để “rạch ròi” về các vấn đề sau khi kết hôn, nhiều người lựa chọn thành lập hợp đồng hôn nhân.  Hợp đồng này có phạm pháp không?

Mục lục bài viết
  • Pháp luật quy định thế nào về hợp đồng hôn nhân?
  • Hợp đồng hôn nhân có phạm pháp không?
  • Mẫu hợp đồng hôn nhân phân chia tài sản
Câu hỏi: Xin chào anh/chị. Em hiện tại 28 tuổi và sắp kết hôn. Gần đây em có biết đến hợp đồng hôn nhân, ký trước khi 2 người đi đăng ký kết hôn nhằm xác định việc phân chia tài sản nếu xảy ra tranh chấp khi ly hôn. Việc em ký hợp đồng này có phạm pháp hay không? Nếu không, em muốn xin mẫu hợp đồng hôn nhân theo đúng quy định hiện hành.

Pháp luật quy định thế nào về hợp đồng hôn nhân?

Pháp luật hiện hành không đưa ra bất cứ một định nghĩa hay quy định nào điều chỉnh về hợp đồng hôn nhân.

Ty nhiên, Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 đưa ra khái niệm hợp đồng như sau:

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Còn theo Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:

1. Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn.

Như vậy, có thể hiểu, hợp đồng hôn nhân là sự thỏa thuận giữa vợ và chồng về xác lập các quyền, nghĩa vụ của hai bên sau khi kết hôn.

hop dong hon nhan
Pháp luật cho phép lập hợp đồng hôn nhân để thỏa thuận tài sản (Ảnh minh họa)

Hợp đồng hôn nhân có phạm pháp không?

Hiện nay, Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành không đề cập trực tiếp đến hợp đồng hôn nhân nhưng có nhắc đến việc thỏa thuận về tài sản của vợ, chồng trước khi kết hôn. Cụ thể:

Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Theo Điều 15 Nghị định 126/2014, việc xác định tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được quy định như sau:

1. Trường hợp lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung sau đây:

a) Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;

c) Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;

d) Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.

2. Thỏa thuận về tài sản của vợ chồng phải phù hợp với quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và gia đình. Nếu vi phạm, người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận vô hiệu theo quy định tại Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình.

Như vậy, nếu chỉ lập hợp đồng hôn nhân quy định việc thỏa thuận phân chia tài sản thì không phạm pháp. Tuy nhiên, để được pháp luật công nhận cần lập trước khi kết hôn, có công chứng hoặc chứng thực và có các nội dung như Điều 15 Nghị định 126.

Mẫu hợp đồng hôn nhân phân chia tài sản

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

HỢP ĐỒNG HÔN NHÂN

Số: …

Căn cứ Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ký ngày 24/11/2015 của Quốc hội cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Hôn nhân và Gia đình số 52/2014/QH2013 ký ngày 19/06/2014 của Quốc hội cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ vào nhu cầu và khả năng của các bên,

Hôm nay, ngày ...tháng ….năm …., tại ………………………… Chúng tôi gồm:

BÊN A:

Họ và tên: ……………………………… Sinh ngày: ……………………

CMND/CCCD số………………do………………….cấp ngày……………

Hộ khẩu thường trú: ……..……………………………………….

Số điện thoại: ………..…………………………………..

BÊN B:

Họ và tên: ……………………………… Sinh ngày: ………………

CMND/CCCD số………………do…………………………….cấp ngày…………

Hộ khẩu thường trú: ……..……………………………………

Số điện thoại: ………..……………………………………..

Bên A và Bên B sau đây trong Hợp đồng hôn nhân này (“Hợp Đồng”) được gọi riêng là “Bên” và gọi chung là “Các Bên” tùy theo ngữ cảnh.

Sau khi bàn bạc, các bên thống nhất ký Hợp Đồng này với các điều khoản, điều kiện sau đây:

ĐIỀU 1. Đối tượng của hợp đồng

Hai bên thống nhất những nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ trong thời kỳ hôn nhân liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng.

Điều 2. Chế độ tài sản

Các bên bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

Các bên có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của các bên mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi bên, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.

Các bên có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.

Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.

Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.

Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình.

Điều 3. Tài sản chung của vợ chồng

- Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản chung đã được chia, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

- Thỏa thuận về đăng ký quyền sở hữu tài sản chung (ghi tên cả hai vợ chồng, hoặc ghi tên vợ, hoặc tên chồng)

- Vợ chồng thỏa thuận về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

- Vợ, chồng thỏa thuận định đoạt tài sản chung bằng văn bản đối với trường hợp tài sản chung là bất động sản, động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình

- Vợ chồng thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh, bên đưa tài sản chung vào kinh doanh sẽ có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó

- Nghĩa vụ chung của vợ chồng về tài sản:

+ Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

+ Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

+ Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

+ Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

+ Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

+ Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

ĐIỀU 4. Chia tài sản chung:

- Vợ chồng thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung;

+ Phần tài sản mà vợ, chồng đã được chia thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng (vợ chồng có thể thỏa thuận khác);

+ Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong Hợp đồng này;

+ Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, (vợ, chồng có thể thỏa thuận khác);

+ Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung;

- Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

​+ Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

+ Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ. 

Điều 5. Tài sản riêng của các bên

- Trong thời kỳ hôn nhân:

+ Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản chung được chia riêng cho vợ, chồng; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

+ Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng là tài sản riêng của vợ, chồng.

+ Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

+ Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.

+ Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.

+ Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.

- Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản như sau:

+ Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

+ Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng

+ Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

+ Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

Điều 6. Nguyên tắc giải quyết xung đột khi ly hôn

Nguyên tắc giải quyết xung đột về tài sản của các bên khi ly hôn thực hiện theo thỏa thuận hoặc quy định tại Hợp đồng này.

Tài sản chung của các bên được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó.

Điều 7. Điều khoản chung

- Hợp đồng này có thể được điều chỉnh, bổ sung một số điều khi có sự thống nhất của hai bên và được ghi nhận tại Phụ lục hợp đồng này.

- Hợp đồng hôn nhân này có hiệu lực từ ngày ký.

- Hợp đồng được chia làm 03 bản và có giá trị pháp lý ngang nhau. Mỗi bên giữ 01 bản và 01 bản được dùng để công chứng.

BÊN A

BÊN B

Trên đây mẫu hợp đồng hôn nhân và một số thông tin liên quan. Nếu còn có vướng mắc, bạn có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X