hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 11/10/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hợp đồng khoán việc là gì? Có cần đóng BHXH không?

Hợp đồng khoán việc là loại hợp đồng được áo dụng tương đối phổ biến hiện nay với đặc trưng riêng. Vậy, hợp đồng khoán việc là gì? Có hình thức như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ về các vấn đề này.

Mục lục bài viết
  • Hợp đồng khoán việc là gì? Gồm những điều khoản nào?
  • Hợp đồng khoán việc được ký kết trong trường hợp nào?
  • Hiện nay, mẫu hợp đồng khoán việc có hình thức thế nào?
  • Hợp đồng khoán việc có phải đóng BHXH không?
  • Hợp đồng khoán việc đóng thuế thế nào?

Hợp đồng khoán việc là gì? Gồm những điều khoản nào?

Câu hỏi: Doanh nghiệp A muốn ký kết hợp đồng khoán việc với tôi. Nội dung hợp đồng khoán việc là yêu cầu tôi thực hiện lắp hệ thống đường ống dẫn nước cho tòa nhà. Vậy hợp đồng khoán việc là hợp đồng gì?Hợp đồng này sẽ gồm những điều khoản nào? Mai Phương (Gia Lai).

Theo quy định tại Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015, ta có thể xác định hợp đồng khoán việc là loại hợp đồng dịch vụ. Cụ thể:

Hợp đồng khoán việc là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được khoán việc thực hiện công việc cho bên khoán việc, bên khoán việc phải trả tiền dịch vụ cho bên được khoán việc.

Theo đó, hợp đồng khoán việc chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự. Do vậy, nội dung của hợp đồng khoán việc phải đáp ứng theo quy định tại Điều 398 Bộ luật Dân sự 2015.

Cụ thể, các bên trong hợp đồng khoán việc có quyền thỏa thuận về nội dung của hợp đồng khoán việc gồm các nội dung sau:

- Đối tượng của hợp đồng khoán việc;

- Số lượng, chất lượng;

- Phương thức thanh toán và giá;

- Thời hạn, phương thức, địa điểm thực hiện hợp đồng;

- Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng khoán việc;

- Trách nhiệm của các bên trong trường hợp vi phạm hợp đồng;

- Cách thức giải quyết tranh chấp giữa các bên.

Hợp đồng khoán việc được ký kết trong trường hợp nào?

Câu hỏi: Công ty HT đang có nhu cầu xây dựng cây cầu bắc qua sông trong thời gian 1 tháng. Công ty có ký hợp đồng với tôi để thực hiện công việc trên. Trong trường hợp này, chúng tôi có phải ký kết hợp đồng khoán việc không? Minh Tú (Ninh Bình).

Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể trường hợp nào phải ký kết hợp đồng khoán việc. Tùy vào các trường hợp khác nhau, các bên có thể lựa chọn ký kết hợp đồng khoán việc.

Theo Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng khoán việc được xác định là hợp đồng dịch vụ.

Do đó, hợp đồng khoán việc có thể được sử dụng trong trường hợp các bên có yêu cầu thực hiện công việc có tính chất tạm thời, không mang tính liên tục, thời hạn hợp đồng ngắn.

Hợp đồng khoán việc là gì? Ký kết trong trường hợp nào? (Ảnh minh họa)


Hiện nay, mẫu hợp đồng khoán việc có hình thức thế nào?

Câu hỏi: Xin hỏi, hiện nay mẫu hợp đồng khoán việc là mẫu nào? Tôi cảm ơn! Thu Hằng (Lào Cai).

Bạn có thể tham khảo mẫu hợp đồng khoán việc dưới đây:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----***-----

HỢP ĐỒNG KHOÁN VIỆC

(Số:………../HĐKV)

Hôm nay, ngày …. tháng ….. năm ...., tại …………………………………...

Chúng tôi gồm:

BÊN A (Bên giao khoán): ....................................................................... 
Đại diện: ………………………………… Chức vụ: ………………………….
Địa chỉ: ………………………………………………………………………….
Điện thoại: .......................................................................…………………
Mã số thuế: ...............................................................................................
Số tài khoản:…………………………. Tại Ngân hàng:……………………..

BÊN B (Bên nhận khoán):……………………………………………………
Ngày tháng năm sinh:………………………………………………………….
Địa chỉ: ......................................................................................................
Số CMND:.........................Nơi cấp:...................... Ngày cấp:……………...

Sau khi thỏa thuận, hai bên đồng ý ký kết và thực hiện Hợp đồng khoán việc với các điều khoản sau đây:

Điều 1. Nội dung công việc
……………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………

Điều 2. Nơi làm việc
……………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………

Điều 3. Tiến độ thực hiện công việc
Bên B phải thực hiện công việc đã ghi tại Điều 1 trong vòng ….. ngày, tính từ ngày……/…./…… đến ngày …../…../…..

Điều 4. Lương khoán và nghĩa vụ thuế
- Số tiền: ……………..VNĐ.
Bằng chữ:.....................................
- Nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân: Tiền lương khoán nêu trên chưa bao gồm tiền thuế thu nhập cá nhân. Bên A có trách nhiệm nộp tiền thuế thu nhập cá nhân thay cho bên B.
- Thời hạn thanh toán: Sau khi bên B đã hoàn thành công việc ghi tại Điều 1.
- Hình thức thanh toán: Chuyển khoản/tiền mặt.

Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của Bên A
- Yêu cầu bên B thực hiện đúng phần công việc đã ghi tại Điều 1, trong thời gian tại Điều 3.
- Thanh toán đầy đủ số tiền lương khoán cho bên B theo Điều 4 khi bên B đã hoàn thành công việc ghi tại Điều 1.
- Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Hợp đồng này và quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của Bên B
- Được cấp phát vật tư, công cụ, dụng cụ để thực hiện công việc (nếu có).
- Được trả lương theo Điều 4 sau khi hoàn thành công việc theo Điều 1 với thời hạn tại Điều 3.
- Thực hiện đúng công việc đã ghi tại Điều 1.
- Hoàn thành công việc đúng thời hạn đã ghi tại Điều 3.
- Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Hợp đồng này và quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 7. Điều khoản chung
- Hai bên cam kết thi hành nghiêm chỉnh các điều khoản của hợp đồng này.
- Mọi tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng sẽ được giải quyết trước tiên thông qua thương lượng. Trường hợp không thương lượng được thì tranh chấp sẽ do Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
- Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày ký và tự động thanh lý khi hai bên đã hoàn thành trách nhiệm với nhau.
- Hợp đồng này được lập thành …… bản có giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ …… bản./.

BÊN A
(ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

BÊN B
(ký, ghi rõ họ tên)


Hợp đồng khoán việc có phải đóng BHXH không?

Câu hỏi: Tôi có ký kết hợp đồng thuê khoán với công ty A. Nội dung hợp đồng là công ty yêu cầu tôi thực hiện việc lắp đặt hệ thống điều hòa tại tòa nhà X trong thời hạn 1 tháng. Vậy trong trường hợp trên, tôi có được công ty đóng bảo hiểm xã hội không? Quang Minh (Thái Nguyên)

Theo quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 20 Bộ luật Lao động 2019, người lao động ký kết hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên thì phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Như đã trình bày ở trên, hợp đồng khoán việc chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2015. Do đó, hợp đồng khoán việc không chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động 2019 và không phải là hợp đồng lao động.

Vì vậy, các bên khi ký kết hợp đồng khoán việc không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Lao động 2019, nhiều trường hợp hợp đồng khoán việc có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, giám sát, điều hành của một bên thì sẽ được xác định là hợp đồng lao động.

Trong trường hợp này, các bên khi ký kết hợp đồng khoán việc vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội.

Áp dụng đối với trường hợp của bạn, hợp đồng khoán việc của bạn có nội dung thỏa thuận về việc làm có trả công, tiền lương nhưng không có sự quản lý, giám sát, điều hành của bên thuê khoán thì không được xác định là hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Lao động 2019. Do đó, công ty A không phải đóng bảo hiểm xã hội cho bạn.

Hợp đồng khoán việc đóng thuế thế nào?

Câu hỏi: Công ty B có ký kết hợp đồng khoán việc với tôi. Nội dung hợp đồng là cắt cỏ cho sân thể thao của công ty B với mức tiền dịch vụ là 300 triệu đồng. Vậy đối với loại hợp đồng này, tôi phải đóng thuế như thế nào? Minh Anh (Đà Lạt)

Thứ nhất, về thuế thu nhập cá nhân.

Theo quy định tại Điều 2 và điểm a, khoản 1, Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2008 được sửa đổi bởi Luật về thuế sửa đổi 2014, đối với cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú có thu nhập từ hoạt động kinh doanh dịch vụ phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam thì sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Thứ hai, về thuế giá trị gia tăng.

Theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, cá nhân kinh doanh dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng thì sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng.

Lưu ý: Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC, đối với trường hợp cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế thu nhập cá nhân và không phải nộp thuế giá trị gia tăng.

Áp dụng đối với trường hợp của bạn, do bạn có ký kết hợp đồng khoán việc (hợp đồng dịch vụ) cắt cỏ cho sân thể thao với mức tiền dịch vụ 300 triệu đồng nên thuộc trường hợp phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.

Trên đây là giải đáp về vấn đề hợp đồng khoán việc. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X