Công việc bán thời gian (part time) đã phổ biến từ rất lâu, người lao động khi làm việc part time cũng nhận được các quyền lợi nhất định. Vậy, hợp đồng part time có phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không?
Làm việc part time có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Trả lời:
Hiện nay, theo căn cứ pháp luật không quy định cụ thể công việc bán thời gian hay part time là gì. Tuy nhiên có thể hiểu đây là công việc không trọn vẹn thời gian như người lao động làm toàn thời gian và giao kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp.
Tại Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 quy định về làm việc không trọn thời gian như sau:
Điều 32. Làm việc không trọn thời gian
1. Người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
2. Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động.
3. Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Có thể thấy, người lao động làm việc part time cũng được các quyền lợi, bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ như làm việc trọn thời gian.
Về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn.
- Hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng...
Vậy, để xác định làm việc part time có phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không cần căn cứ vào thời gian làm việc của người lao động và mức lương tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Về thời hạn hợp đồng lao động
- Trường hợp làm việc theo hợp đồng lao động dưới 01 tháng thì không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
- Trường hợp ký hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên phải tham gia bảo hiểm xã hôi bắt buộc.
- Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội (Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội).
Về mức lương tính đóng bảo hiểm xã hội
Căn cứ Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định như sau:
2. Tiền lương do đơn vị quyết định
…
2.6. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
Từ những phân tích trên, người lao động làm việc không trọn thời gian vẫn có thể được đóng bảo hiểm xã hội trong trường hợp:
- Người sử dụng lao động và người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên.
- Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
Với trường hợp của bạn đọc, bạn cần căn cứ thêm mức lương trả cho nhân viên là bao nhiêu để xác định có đóng bảo hiểm xã hội không.
Hợp đồng part time có phải đóng bảo hiểm xã hội không? (Ảnh minh họa)
Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người làm việc part time thế nào?
Trả lời:
Theo quy định trên, nếu bạn ký hợp đồng lao động với người lao động trong 03 tháng và mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì mức đóng như sau:
- Trường hợp không thuộc đối tượng được đóng vào quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn
Các đối tượng đóng BHXH | Tỷ lệ trích đóng các loại BHXH | |||||
BHXH | BHYT | BHTN | Tổng cộng | |||
Hưu trí - Tử tuất | Ốm đau - Thai sản | TNLĐ - BNN | ||||
Doanh nghiệp | 14% | 3% | 0,5% | 3% | 1% | 21,5% |
Người lao động | 8% | - | - | 1,5% | 1% | 10,5% |
Tổng | 32% |
- Trường hợp gửi văn bản đề nghị được đóng vào quỹ TNLĐ-BNN với mức thấp hơn và được chấp thuận thì tỷ lệ đóng vào quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là 0,3%, các tỷ lệ khác giữ nguyên như trên. Tổng mức đóng là 31,8%.
Không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị phạt thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 168 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Như thông tin bạn đưa ra, bạn ký hợp đồng lao động 06 tháng nên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nếu bạn thỏa thuận với công ty không đóng bảo hiểm xã hội, trường hợp khi có thanh tra, kiểm tra đơn vị phát hiện sẽ bị phạt.
Cụ thể, mức phạt vi phạm quy định về về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP như sau:
- Phạt từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.
- Phạt từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Hàng năm, không niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp.
- Không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định…
Trên đây là giải đáp hợp đồng bán thời gian có phải đóng bảo hiểm xã hội không. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Xem thêm:
Người sau 60 tuổi có được đóng bảo hiểm xã hội không?
Từ 2021, thời gian thử việc có được đóng bảo hiểm xã hội không?